Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư vú là bệnh phổ biến ở chị em phụ nữ, có tiên lượng điều trị tốt khi được phát hiện sớm. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tăng hơn ở những người có yếu tố nguy cơ.

BS Lê Thị Thu Nga, Khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ung thư vú hình thành trong tuyến vú, thường trong ống tuyến (dẫn sữa đến đầu núm vú) hoặc tiểu thùy (các tuyến tạo sữa). Nó có thể xảy ra ở cả nam và nữ, mặc dù ở nam hiếm gặp hơn).

Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú:

-  Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng cao

- Tiền sử trong gia đình có người bị ung thư vú

- Đã điều trị tia xạ vùng thành ngực

-  Hành kinh sớm (trước 12 tuổi)

- Mãn kinh muộn (sau 50 tuổi)

- Không có con hoặc có con muộn

- Đột biến di truyền: gen BRCA1 và BRCA2

Theo nghiên cứu, khoảng 5% ung thư vú và 25% ung thư vú có tính chất gia đình là do đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.

Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư vú phải kể đến như dùng thuốc hormon thay thế; Dùng thuốc tránh thai; Uống rượu; Không cho con bú: Béo phì.

Để phòng bệnh ung thư vú bắt đầu từ thay đổi lối sống: không uống rượu, cho con bú sữa mẹ, giảm cân, vận động, không dùng hormon thay thế.

BS Nga khuyến cáo mọi chị em đều nên tự khám vú mỗi tháng, sau tuổi 40 ngoài tự khám vú, nên thực hiện tầm soát ung thư vú tại bệnh viện. Riêng với nhóm có nguy cơ cao cần khám sàng lọc 1-2 lần/năm.