Các số đo nói lên điều gì
Chiều cao, cân nặng, số đo vòng eo, vòng cổ, khuôn mặt… không chỉ là liên quan đến thẩm mỹ mà còn nói lên rất nhiều điểu về sức khỏe của con người.
Cân nặng
Cân nặng là một chỉ số rất dao động trong ngày. Vì vậy, cần phải cân vào khoảng thời gian nhất định. Khi cân, nên mặc quần áo mỏng. Vào từng mùa trong năm, cân nặng cũng có sự thay đổi nên cần phải ghi vào sổ sức khỏe để theo dõi.
Chiều cao
Đo chiều cao là việc rất cần thiết, đặc biệt với lứa tuổi dậy thì. Để đo chiều cao, bạn phải đứng thẳng, ba điểm là gót chân, mông và hai cánh xương bả vai phải chạm tường, đầu thẳng, mắt nhìn ngang, có như vậy kết quả mới chính xác.
Nhiều người thường “bất mãn” với chiều cao khiêm tốn của mình, nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng: không phải lúc nào cao cũng tốt. Thực tế, những người cao trên 1m80 thường có nguy cơ mắc chứng đau lưng nhiều hơn những người khác, do phải thường xuyên khom người.
Vòng ngực
Hiệu số vòng ngực là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tình trạng của hệ hô hấp. Khi đo vòng ngực, bạn cần đo ở 3 trạng thái: Thở bình thường, hít vào hết sức và thở ra hết sức. Sau đó tìm hiệu số vòng ngực lúc hít vào hết sức và thở ra hết sức.
Vòng eo
Không chỉ phụ nữ mới phải chăm chút cho vòng 2 của mình mà nam giới cũng cần phải quan tâm đến chỉ số này. Vì vòng eo càng to thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng lớn. Chẳng thế mà người ta vẫn ví von: “Vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn”.
Vòng cổ
Bạn đừng coi thường chỉ số này. Nếu vòng cổ càng to (hơn 45 cm) thì nguy cơ ngáy khi ngủ càng cao, vì vòng cổ càng rộng thì các cơ ở đường lưu thông không khí càng yếu và chùng xuống khi ngủ . Do đó, đường đi của không khí bị thu nhỏ lại và tạo ra tiếng ngáy. Ngoài ra, nếu vòng cổ to bất thường, bạn phải kiểm tra xem có mắc bệnh bướu cổ hay không.
Khuôn mặt
Sở hữu một khuôn mặt chuẩn (chiều dài không vượt quá 1,348 lần chiều rộng khuôn mặt) sẽ hết sức có lợi cho sức khỏe. Nếu mặt quá dài thì đường hô hấp sẽ hẹp hơn, nguy cơ mắc bệnh liên quan đến xoang họng cao hơn. Còn khuôn mặt tròn hoặc vuông thường gây sức ép lớn với hàm nên bạn hay bị đau đầu.
Mạch đập
Mạch đập biểu hiện lực co bóp, tần số và nhịp điệu hoạt động của tim. Người ta thường đếm mạch ở cổ tay trái. Dùng 3 ngón tay trỏ, giữa và đeo nhẫn của bàn tay kia, thường là tay phải, ấn nhẹ dọc cổ tay, phía ngón cái sẽ có cảm giác nảy lên, đó là mạch đập.
Đếm mạch nên vào buổi sáng, lúc yên tĩnh. Mạch lúc này gọi là mạch cơ sở (thông thường 70 lần/phút). Khi đếm, bạn không chỉ chú ý đến tần số mà phải chú ý đến nhịp điệu. Nếu mạch không đều, bạn cần đến gặp bác sĩ để khám.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống