Các dấu hiệu sớm của ung thư phổi

Cẩm Tú

(Dân trí) - Theo Hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong số một ở cả nam và nữ, chiếm khoảng 25% tổng số ca tử vong do ung thư ở nước này.

Các dấu hiệu sớm của ung thư phổi - 1

Chụp MRI trên màn hình kỹ thuật số.

Theo báo cáo của ACS, ung thư phổi cũng là loại ung thư phổ biến thứ hai ở cả nam và nữ khi không tính ung thư da.

Hầu hết các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá. Tuy nhiên, 10% đến 20% trường hợp ung thư phổi không liên quan đến hút thuốc lá. Có thể ung thư trong nhóm này liên quan đến:

• Ô nhiễm không khí.

• Amiăng.

• Khí thải diesel.

• Tiền sử gia đình bị ung thư phổi.

• Rađon.

• Hít khói thuốc lá thụ động.

• Hóa chất nơi làm việc.

Ở một số bệnh nhân, không xác định được nguyên nhân gây ra ung thư phổi.

Dấu hiệu sớm của ung thư phổi

Không may là với những người bị ung thư phổi, các triệu chứng thường không phổ biến trong giai đoạn đầu. Một lý do trong những lý do là phổi không có nhiều đầu mút dây thần kinh, giúp cơ thể cảm thấy đau.

Ung thư phổi có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 và đôi khi giai đoạn 2 được coi là giai đoạn sớm hơn. Giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn muộn hơn. Ung thư phổi hay được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn.

Nếu có những dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi, chúng có thể bao gồm:

• Tình trạng ho mới xuất hiện hoặc nặng hơn. Dấu hiệu này có thể đánh lừa vì những người hút thuốc thường bị ho.

• Ho ra máu có thể xảy ra nhưng chỉ thỉnh thoảng trong giai đoạn đầu.

Vị trí khối u có thể tạo ra sự khác biệt. Khối u nằm gần đường thở chính có thể gây ra các triệu chứng sớm, ngay cả khi khối u nhỏ.

Khi ung thư phổi tiến triển, một số dấu hiệu phổ biến hơn bao gồm:

• Đau xương.

• Đau ngực.

• Nhiễm trùng phổi tái phát như viêm phế quản và viêm phổi.

• Thay đổi giọng nói.

• Sụt cân.

Những dấu hiệu này có thể xảy ra khi ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Không phải tất cả các loại ho và các triệu chứng liên quan khác đều chỉ ra ung thư phổi. Chúng cũng có thể là do những vấn đề hô hấp khác, như:

• Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

• Virus corona.

• Khí phế thũng.

• Cúm.

• Viêm phổi.

Do đó cần đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc các triệu chứng mãn tính thay đổi.

Tầm soát giúp xác định sớm ung thư phổi như thế nào

Vì ung thư phổi rất phổ biến ở những người hút thuốc lá nhưng cũng khó phát hiện sớm, Cơ quan chuyên trách dự phòng của Mỹ khuyến nghị nên chụp cắt lớp vi tính liều thấp hàng năm ở những người đáp ứng tất cả những tiêu chí sau:

• Có tiền sử hút thuốc lá. Hiện đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm.

• Từ 50 đến 80 tuổi. Theo ACS, ung thư phổi phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Với chụp CT liều thấp, bạn nằm thẳng trên bàn. Một loại máy đặc biệt sẽ sử dụng lượng bức xạ thấp để chụp ảnh phổi. Việc chụp này không đau và không cần chuẩn bị đặc biệt. Hình ảnh có thể giúp các bác sĩ kiểm tra khối u.

Đôi khi, việc chụp có thể có kết quả dương tính giả, nghĩa là kết quả có vẻ cho thấy có khối u trong khi thực sự không có khối u ở đó. Theo một nghiên cứu có tên là Thử nghiệm sàng lọc phổi quốc gia của Mỹ cho thấy tỷ lệ dương tính giả là 23%, một tỷ lệ hơi cao.

Bằng cách thực hiện tầm soát hàng năm, có thể giảm dương tính giả vì bác sĩ có thể so sánh phổi của bạn trong các lần khám trước với kết quả mới. Điều này cải thiện độ chính xác.

Thực hiện chụp cắt lớp tại trung tâm y tế có nhiều kinh nghiệm trong việc tầm soát ung thư phổi cũng có thể giúp giảm thiểu tình trạng dương tính giả từ quá trình chụp.

Hiện không có hướng dẫn về tầm soát ở những người không hút thuốc lá vì các chuyên gia y tế chưa xác định được những người không hút thuốc nào có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất.

Đối phó với các dấu hiệu sớm của ung thư phổi

Nếu bạn tin rằng mình có bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư phổi, cần liên hệ với bác sĩ. Nếu lo lắng về kết quả của việc tầm soát ung thư phổi, thì đây là một số lời khuyên:

Cố gắng bỏ thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ để có thông tin và được trợ giúp.

Nếu vẫn hút thuốc lá và đủ điều kiện để chụp CT, hãy đảm bảo thực hiện hàng năm. Ngoài ra, hãy cập nhật việc kiểm tra sức khỏe hàng năm. Tất nhiên, tốt hơn hết là nên bỏ thuốc lá vì tất cả tác hại của việc hút thuốc đối với cơ thể.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Chia sẻ mối quan tâm của bạn với họ. Cũng có thể tìm kiếm các nhóm hỗ trợ trực tuyến hoặc trong cộng đồng địa phương.

Nếu bạn đi khám tầm soát và có bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư, nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ. Bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và bác sĩ chuyên khoa ung thư lồng ngực là những người thường xuyên điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi.