Các “chiêu” của phòng khám Đông y Trung Quốc
Chẳng cần nắm rõ biểu hiện bệnh, đơn thuốc nghuệch ngoạc bằng tiếng Trung, không phiên âm sang tiếng Việt... là đặc điểm nổi bật của các phòng khám có yếu tố "ngoại" này.
Phòng khám mới nhất bị xử phạt (đầu tháng 1/2010)
Cô bạn Nguyễn Hoài An (24 tuổi, ở Đê La Thành, Hà Nội), cựu sinh viên khoa tiếng Trung, Đại học Hà Nội, từng là phiên dịch viên cho một phòng khám Đông y có thầy thuốc Trung Quốc trên đường Giải Phóng trong thời gian còn là sinh viên.
Công việc của Hoài An là nghe người bệnh kể bệnh rồi phiên dịch lại cho vị bác sĩ người Trung Quốc hiểu. Để có được vị trí này, Hoài An đã phải vượt qua chục thí sinh dự tuyển.
Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng làm việc tại đây, Hoài An đã tự xin nghỉ việc vì cảm thấy thiếu tự tin: Mình không có kiến thức y khoa nên dịch mù mờ, nhiều khi không diễn đạt hết ý người bệnh cho thầy thuốc hiểu.
Hoài An còn tâm sự thêm: Vị thầy thuốc người Trung Quốc kia cũng không cần hiểu hết bệnh tình của người bệnh.
Một lần, có bé trai 10 tuổi ở Hưng Yên lên khám bệnh. Mẹ cháu bé bảo đã đưa cháu đi khám ở viện rồi, bác sĩ bảo bị viêm đại tràng, cũng uống thuốc nhiều rồi nhưng không thấy đỡ, thỉnh thoảng lại đau quằn quại. Thế nhưng, khi miêu tả cho vị thầy thuốc kia, tôi không thể nhớ “đại tràng” tiếng Trung là gì, cứ chỉ chỉ vào bụng, vị thầy thuốc gật gù tỏ vẻ đã hiểu rồi cắm cúi kê đơn thuốc.
Đáng lẽ ra, tôi phải dịch những đơn thuốc này cho người bệnh hiểu. Tuy nhiên, đơn thuốc kê xong được đưa cho người bốc thuốc. Còn người bệnh cũng không có mấy người có nhu cầu hiểu đơn thuốc viết gì.
Một lần, cụ bà 70 tuổi ở Thái Nguyên đến khám cứ nhờ tôi dịch hộ đơn thuốc. Tôi lúng túng không biết làm thế nào. Chị Hòa - nhân viên bốc thuốc của phòng khám liền chữa gượng cho tôi: “Cụ ơi, thuốc làm từ dược liệu nhập từ Trung Quốc, cô ý có dịch thì cụ cũng có biết đâu. Cụ cứ cầm 10 thang thuốc này về uống là hết bệnh!”.
Hoài An ngỡ ngàng khi thấy tôi bảo rằng, theo quy định của Bộ Y tế, người phiên dịch viên phải là người vừa có bằng cấp y khoa lại vừa có khả năng ngoại ngữ: “May mà tôi nghỉ việc sớm, không thì có ngày cũng bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm pháp luật!”.
Đơn thuốc viết chữ “gà bới”
Nét chữ nghệch ngoạc rất khó nhận biết
Năm 2006, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch TƯ Hội Đông y Việt Nam từng tham gia hội đồng thẩm định 23 người Trung Quốc đăng ký hành nghề Đông y tại Việt Nam. Cục Đông y - Đông dược Trung Quốc cho biết, 17 trong số 23 người này chưa học qua trường lớp nào về Đông y. 6 người còn lại thì là những y, bác sĩ cấp cơ sở. Hội đồng năm đó đã hủy bỏ và không xét duyệt cho ai cả.
Qua tìm hiểu một số đơn thuốc, Chủ tịch TƯ Hội Đông y Việt Nam cho biết, các phòng khám nấp dưới danh Trung Quốc đang “bóc lột” bệnh nhân vì những thang thuốc nếu mua của người Việt thì chỉ 35-40 nghìn đồng, cao hơn là 50 nghìn đồng, thì theo đơn thuốc này, người bệnh phải mua với giá 250 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Trung (Đội Cấn, Hà Nội) bị cặn thận, đến một phòng khám y học Trung Quốc tại quận Hai Bà Trưng để chữa bệnh và mất 8 triệu đồng để mua 20 thang thuốc. Tuy nhiên, uống đến 3 thang cuối, anh thường xuyên bị nôn.
Cầm trên tay những đơn thuốc được viết bằng chữ Hán, thầy thuốc ưu tú, lương y Trần Văn Quảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TƯ Hội Đông y Việt Nam từ chối bình luận về những đơn thuốc này: “Nguyên tắc làm việc của tôi là không bình luận đơn thuốc của thầy thuốc khác!”,
Ông Quảng chỉ tiết lộ: Các đơn thuốc kê bằng chữ Hán viết rất nguệch ngoạc, khiến ngay cả những người biết chữ Hán cũng khó đọc. Ngoài ra, cách kê đơn thuốc rất khôn ngoan, kê không rõ ràng, buộc người bệnh nếu đã sử dụng đơn thuốc của phòng khám thì không thể mang đơn đi hỏi thầy thuốc khác.
2009: 700 phòng khám y học cổ truyền bị xử phạt
Theo đó, các lỗi vi phạm của yếu của những phòng khám này là không có giấy phép hành nghề, bán thuốc chưa đăng ký lưu hành, thuốc hết hạn sử dụng...
Cũng theo báo cáo, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 50.000 tấn dược liệu để điều chế thuốc và các chế phẩm khác. Nguồn dược liệu của ta chủ yếu lại nhập khẩu từ Trung Quốc qua con đường phi mậu dịch, không rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn, giấy kiểm nghiệm.
Liên tiếp trong hơn 1 tháng cuối năm 2009, Sở Y tế và Chi cục Quản lý Thị trường HN ra quân kiểm tra phòng khám Đông y Trung Quốc lần nào, lần nào cũng phát hiện sai phạm.
Đáng lo ngại hơn, dù đã bị xử phạt nhưng tình trạng vi phạm này cứ tiếp tục tái diễn. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Năm nay phòng khám này vi phạm lỗi này thì sang năm phòng khám khác lại vi phạm lỗi đó. Hoặc năm nay phòng khám bị phạt vì bán thuốc chưa được cấp phép thì lần sau sẽ phạm lỗi khác”.
Mới đây nhất, tháng 1/2010, phòng khám y học Trung Quốc - 62 Đại Cồ Việt (Hà Nội) đã bị xử phạt 11 triệu đồng vì vi phạm quy chế kê đơn thuốc bằng chữ Trung Quốc mà không dịch sang tiếng Việt, bán thuốc cao hơn giá niêm yết và bán thuốc chưa được phép lưu hành... Trước đó, phòng khám này đã bị xử phạt 10 triệu đồng vì bác sĩ Trung Quốc hành nghề chưa có giấy phép của Sở Y tế. |
Theo Hải Yến
Bee.net