1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ca “sửa tim” đặc biệt cho bé sinh non nặng 1,7 kg

(Dân trí) - Trung tâm tim mạch (BV Nhi Trung ương) vừa thực hiện thành công hai trường hợp trẻ mắc bệnh tim hiếm gặp, đặc có bệnh nhi chỉ nặng 1,7kg cùng lúc mắc 5 tổn thương tim kết hợp.

Ngày 14/6, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó GĐ Trung tâm tim mạch (BV Nhi Trung ương) chia sẻ về hai trường hợp “sửa tim” vô cùng đặc biệt.

Các bác sĩ đánh giá thành công của ca bệnh là một kỳ tích. Ảnh: L.P
Các bác sĩ đánh giá thành công của ca bệnh là một kỳ tích. Ảnh: L.P

Bệnh nhi Nguyễn Trọng P. (sinh ngày 31/5/2017, ở Hà Nội) sinh non ở tuần thai 37, là một trường bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh với cân nặng nhỏ nhất từ trước đến nay, chỉ 1,7kg.

Chia sẻ về ca bệnh này, TS Trường cho biết có quá nhiều áp lực. Bởi trước khi có cậu bé này, bố mẹ P. đã 2 lần bị xẩy thai. Vì thế khi mang thai P. gia đình đã biết bé suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh lý tim mạch nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại.

Khi sinh ra, P. đã bị tím tái, bão hòa ô xy chỉ khoảng 15-20% (bình thường là 95%), xuất hiện tình trạng sốc tim. Dù được hồi sức tích cực, toàn trạng của cháu bé vẫn rất nặng, bão hòa ô xy của cháu chỉ lên được 25%.

Ngoài tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh nhi còn bị 5 tổn thương tim kết hợp, trong đó có chuyển gốc động mạch. Nếu không phẫu thuật bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao, nhưng nếu phẫu thuật, cân nặng em bé mới đạt 1,7kg không phải là đơn giản. “Với cân nặng chỉ 1,7kg động mạch vành của cháu chỉ nhỏ bằng đầu tăm, nên khi chuyển lại vị trí của các động mạch, nếu sai lệch chỉ 1/3 đến 1/4mm thì nguy cơ bị xoắn vặn động mạch vành, dẫn đến thiếu máu cấp tính và tử vong rất cao”, TS Trường nói.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp chuyển lại hai động mạch chủ và động mạch phổi; cố gắng giải phóng hết tắc nghẽn trên đường thoát của tâm thất bằng cách cắt bỏ toàn bộ tổ chức gây hẹp đường ra của tâm thất trái. Đồng thời, vách liên nhĩ được mở rộng và động mạch phổi được siết lại tạm thời để hạn chế suy tim, bảo đảm đủ máu nuôi cho cơ thể cháu bé, tránh phù phổi và suy tim sau mổ.

Sau 10 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định. 2 ngày sau phẫu thuật, cháu P. được rút nội khí quản và bắt đầu ăn được với số lượng ít.

Bé Trương Ngọc Linh C (3 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) cũng được can thiệp sửa chữa tim khi 1 tháng tuổi, nặng chỉ 3,2kg.

Trước đó được 20 ngày tuổi, nặng 2,2kg bé C. được gia đình đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng, không có động mạch phổi.

“Điều này khiến toàn bộ máu lên động mạch phổi của bệnh nhi này được cấp bởi ống động mạch nhưng ống động mạch đang nhỏ lại, có nguy cơ gây ra đột tử bất kỳ lúc nào”, TS Trường cho biết.

Các bác sĩ đã phải điều trị nội khoa, nuôi dưỡng trong thời gian chờ đợi cân nặng của trẻ tăng lên để can thiệp sửa chữa khiếm khuyết trong trái tim bệnh nhi.

“Khó khăn nhất khi mổ cho bệnh nhi này đó chính là độ tuổi quá nhỏ rất dễ bị xé rách mô và các tổ chức khác. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của các bác sĩ, ca mổ đã hoàn thành trong vòng 7 giờ đồng hồ, với gần 20 người tham gia”, TS Trường thông tin.

Tuy nhiên sau ca mổ 2 ngày, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện phù phổi tràn máu vào đường thở, chỉ số sinh tồn giảm. Phát hiện những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ quyết định sử dụng ECMO (trao đổi ô xy ngoài cơ thể) để giữ mạng sống cho cháu.

“Sau khi đặt ECMO được 2 ngày tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định. Đến ngày thứ 7 sức khỏe bệnh nhi cải thiện rõ rệt, phổi hoạt động bình thường. Đến ngày thứ 9 cháu được rút nội khí quản và tự thở. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và sẽ được xuất viện trong chiều ngày 14/6”, TS Trường cho biết..

Hồng Hải