Ca sĩ Ái Vân, diễn viên Kim Phượng chiến thắng ung thư vú như thế nào?

Lúc đầu, tôi cũng suy sụp tinh thần nhưng rồi tôi quyết định phải đối diện với sức khỏe của mình và tận dụng mỗi giây phút còn lại mà sống thật thú vị, ý nghĩa.

Ca sĩ Ái Vân: Bận rộn quên cả khối u trong ngực

 

Nhìn sự đời, yêu người lấp lánh qua ánh mắt nhìn của chị. Khó có ai biết rằng, con người ấy đã có thời gian phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Và Ái Vân, khi biết mình mắc bệnh ung thư ngực cũng đã nghĩ có lẽ mình... sắp chết.

 

Ca sĩ Ái Vân từng phải cạo trọc đầu vì xạ trị

Ca sĩ Ái Vân từng phải cạo trọc đầu vì xạ trị

 

Gần 30 năm trước, ca sĩ Ái Vân từng nổi tiếng với ca khúc Triệu bông hồng. Ái Vân hát trong niềm say mê, rạng ngời hạnh phúc. Giờ chị vẫn đẹp và đằm thắm...

 

Gặp Ái Vân bây giờ, vẫn giọng nói người Hà Nội gốc nhẹ nhàng, khuôn mặt xinh đẹp, chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi.

 

Ca sĩ Ái Vân kể: “Trong lần đi khám tổng thể định kỳ, mỗi năm một lần, năm ấy, trong lúc khám, bác sĩ của mình đã phát hiện ra một khối u ở ngực nên đề nghị Vân sắp xếp thời gian để mổ lấy u ngay. Nhưng, Vân chẳng thấy mình có dấu hiệu đau đớn gì cả, thấy mọi thứ vẫn bình thường. Thời gian đó show của Vân rất nhiều nên cứ chạy theo niềm đam mê mà quên cả sức khoẻ của bản thân”.

 

Một tháng trôi đi, chị cũng chẳng nhớ mình có một khối u ác tính mà bác sĩ đã chỉ định mổ. Khi bác sĩ gọi lại hỏi chị đã mổ chưa thì ái Vân mới giật mình. Chị đi làm sinh thiết, cô y tá là người Việt nói: “Kết quả cho thấy mẫu này dương tính, chị phải hẹn bác sĩ đi mổ ngay đi”.

 

“Lúc đó, Vân hiểu rằng hễ mắc phải căn bệnh này là chết. Trong vòng 3 ngày Vân được hẹn và lên bàn mổ. Sau khi mổ hơn một tháng thì bắt đầu giai đoạn hóa trị, rụng tóc. Lúc đó Vân cảm nhận cuộc sống đối với mình sắp kết thúc! Bác sĩ báo tin Vân bị ung thư. Chồng mình trở về nhà. Anh ấy chăm sóc Vân tỉ mỉ một cách... bất thường, như thể chăm chút cho một người sắp về cõi bên kia”, Ái Vân nhớ lại thời khắc khó khăn của mình.

 

Khái niệm về bệnh ung thư của chị chỉ đơn giản là bệnh hiểm nghèo, đồng nghĩa với cái chết đang đến gần. Tinh thần của chị suy sụp, chị nghĩ cuộc sống của mình đang được đếm ngược.

 

Rồi, trong lúc điều trị bệnh, chị cứ vẩn vơ với bao câu hỏi, bao ý nghĩ sắp đặt cuộc sống cho người thân ở lại. Chị cười, cái sự quá lo xa của mình: “Vân nghĩ cuộc sống gia đình sau khi không có mình trong cuộc đời này nữa thì những người thân còn lại sẽ như thế nào? Các con mình sẽ ra sao? Làm sao để bố tôi nhận tin này mà không bị sốc quá?”...

 

Để những người thân được vui và dành tình cảm thật nhiều cho họ, chị đã cố gắng chu toàn công việc nhà như đi chợ, nấu cơm.

 

Ăn cơm không ngon miệng nhưng chị cứ cố nhồi nhét miễn cho cả nhà vui và để mọi người nghĩ mọi việc vẫn bình thường và chị vẫn khoẻ mạnh. Chị cứ ăn, chẳng kiêng khem gì cả, cái gì ăn được chị ăn cả.

 

Nhưng có một điều sẽ không thể che giấu được, đó là hoá trị dẫn đến rụng tóc. Mỗi ngày, chị thấy tóc mình rụng đi một chút. Ái Vân nghĩ đến chuyện phải cạo tóc đi, nhưng làm sao để các con không sợ.

 

Chị đã nghĩ ra trò chơi với con trẻ để đánh lừa chúng. Chị đưa cho con dao cạo và thi cắt tóc của mẹ. Hai đưa trẻ ngây thơ, thi cắt tóc mẹ mà đâu hay lòng người mẹ đang quặn đau mỗi khi nhìn những lọn tóc rơi xuống. Khi nhát cạo cuối cùng đã dứt, tóc mình rụng hết xuống, Vân nhìn vào gương mới cảm thấy sự khủng khiếp. Đó cũng là lần Vân bị sốc nặng nhất trong quá trình điều trị.

 

Mặc dù đang điều trị bệnh, nhưng chị vẫn tiếp tục đi hát. Chị hát như con chim cất tiếng hót lần cuối thể hiện tình yêu biết bao nhiêu với cuộc sống tươi đẹp đang diễn ra. Mười ngày sau khi mổ xong chị lại đứng lên sân khấu và hát.

 

Cũng rất may, sau 4 tháng hóa trị tóc chị dần mọc lại, bệnh tật tiến triển ngày càng khá hơn.

 

Sau khi mổ bác sĩ nói: “Bà rất may vì khối u phát hiện sớm, chưa di căn. Bà phải uống thuốc trong 5 năm, nếu sau 5 năm mà bà qua được nghĩa là đã khỏi”. Đến nay đã 10 năm trôi qua, cái thời khắc khủng khiếp ấy đã lùi vào quá khứ. Và chị đã sống, lại tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

 

Kim Phượng từng tuyệt vọng vì bệnh ung thư vú

 

Sau khi phẫu thuật và xạ trị, Kim Phượng đã khỏi hẳn chứng ung thư vú

Sau khi phẫu thuật và xạ trị, Kim Phượng đã khỏi hẳn chứng ung thư vú

 

Bà trùm xã hội đen Phượng Đê của Không chùn bước chia sẻ chị từng trải qua những ngày tuyệt vọng vì bệnh hiểm nghèo.

 

 Chị chia sẻ: “Năm 2006, sau khi đóng xong phim Ngã rẽ cuộc đời, tôi ngừng hoạt động nghệ thuật một thời gian. Đó là khi tôi đi chữa bệnh. Bây giờ, bệnh đã dứt nhưng cứ 6 tháng tôi vẫn phải tới bệnh viện để kiểm tra.

Ba tôi mất sớm rồi sau đó tới dì tôi cũng mất, nhà chỉ còn 3 mẹ con và bà ngoại. Tôi đã quá thấm thía nỗi đau khi người thân của mình ra đi. Tôi rất sợ chết, sợ bệnh, sợ người thân đau khổ, sợ bà ngoại tôi già hơn 80 tuổi phải khổ sở khóc thương cháu của mình nên thường xuyên đi khám bệnh.

 

Trước đây nhiều bạn bè thấy tôi siêng đi gặp bác sĩ như vậy thì đều thấy buồn cười. Cũng nhờ sống theo quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên khi có cảm giác hơi đau vùng ngực là tôi đi khám liền. Khi khám và chụp nhũ ảnh thì bác sĩ phát hiện tôi có khối u 1,4 cm.

 

Lúcđó tôi rất sợ mình bị ung thư nhưng bác sĩ nói tôi đừng lo vì thường thì phụ nữ trong độ tuổi trung niên hoặc đã sinh con rồi mới dễ bị bệnh này. Còn tôi khi ấy mới hơn 20 tuổi.

 

Nhưng tôi vẫn quyết định xin bác sĩ cho tôi làm sinh thiết để biết khối u lành tính hay ác tính và có tế bào ung thư hay không. Kết quả là tôi mang khối u ác tính và có tế bào ung thư.

 

Kết luận cuối cùng là tôi đã bị ung thư vú giai đoạn 1. Mặc dù khi xin bác sĩ làm sinh thiết tôi tự nhủ chắc mình không sao nhưng nếu có bệnh thì sẽ dũng cảm đối diện với nó và sớm điều trị. Nhưng thật sự khi đối diện với sự thật thì với tôi mọi thứ như ngừng lại và tôi không thể tin mình đã mắc căn bệnh này. Giờ tôi mới thấm thía rằng bệnh tật thường đến bất ngờ, không chừa ai.

 

Sau đó, tôi đi gặp bác sĩ xin được làm hồ sơ bí mật giấu kín gia đình và bạn bè. Tôi không muốn người thân đau lòng khóc thương khổ sở vì lúc đó tôi cứ nghĩ ungthư là chết hoặc sẽ bị cắt đi bộ ngực.

 

Tôi nhập viện nhưng nói dối gia đình là đi đóng phim ở xa. Tôi lấy tiền để dành du học đi Mỹ trị bệnh nhưng nói với mọi người là đi du lịch.

 

Ở xứ lạ, mùa đông New York nhiệt độ là -2oC, không gia đình, không bạn bè lại đang bị bệnh ung thư không biết mình sống bao lâu nữa sẽ chết.

 

Lúc đầu, tôi cũng suy sụp tinh thần vì cơ thể tôi khó tiếp nhận thuốc nhưng sau cùng tôi quyết định phải đối diện với sức khỏe của mình và tận dụng mỗi giây phút còn lại mà sống thật thú vị, ý nghĩa. Tôi luôn trấn an mình bằng bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.

 

Hằng ngày tôi đi bộ, tập thể dục, uống thuốc và tái khám đều đặn. Tôi quyết định phải lang thang nhiều nơi để biết đó biết đây vì sợ thời gian không còn nhiều.

 

Tôi đi bằng đủ loại phương tiện từ máy bay, xe lửa cho tới xe bus... Rồi một lần tôi đến bang California, vào khu cộng đồng người Việt, họ nhận ra tôi qua những vai Trâm trong Ngã rẽ cuộc đời và tiếp đón tôi rất nồng hậu.

 

Tình cảm ấm áp đó khiến niềm đam mê diễn xuất trong tôi thức dậy và tôi tràn đầy tin tưởng, nghị lực để đối diện và dần vượt qua bệnh tật. Nhờ trải qua một lần nguy nan, giờ tôi nhìn cuộc đời đơn giản và thẳng thắn hơn, không quan tâm đến các chiêu thức màu mè hay phải cố ứng xử cho khéo léo, vẹn toàn nữa.

 

Tôi thấy thời gian với mỗi người thật ngắn ngủi, sống hôm nay nhưng chẳng biết ngày mai xảy ra chuyện gì. Tôi trân trọng mọi thứ quanh mình và sống mở lòng hơn. Tôi thích câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”.

 

Theo Nam Anh

 VTC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm