1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cà Mau: Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề "nổi cộm" về y tế

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 10-12/7, ngành Y tế tỉnh Cà Mau đã được đại biểu chất vấn nhiều vấn đề “nổi cộm” hiện nay, trong đó có đề án bệnh viện (BV) vệ tinh.

Bệnh viện vệ tinh là chủ trương lớn của ngành Y tế

Hỏi thẳng Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, đại biểu Nguyễn Sơn Ca đặt vấn đề, ngành y tế Cà Mau cần có cơ chế, giải pháp gì để ưu tiên thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu điều kiện trở thành đơn vị vệ tinh của BV TƯ tại Cà Mau?

Cà Mau: Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm về y tế  - 1

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau- ông Nguyễn Văn Dũng được đại biểu chất vấn nhiều vấn đề về lĩnh vực phụ trách.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau- ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, đề án triển khai BV vệ tinh là chủ trương lớn của Bộ Y tế, với mục tiêu phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân khỏi chuyển lên tuyến trên, nâng cao chất lượng điều trị cho tuyến dưới, góp phần giảm tải tuyến trên,…

Để làm đề án này thì xuất phát từ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, BV vệ tinh phải đủ các điều kiện như có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực có trình độ,…

“Trách nhiệm của UBND tỉnh là đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận những kỹ thuật được chuyển giao. Còn trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo, cung cấp kinh phí cho bệnh viện hạt nhân đào tạo, hỗ trợ việc này”, ông Dũng khái quát.

Theo Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, hiện tại BV đa khoa tỉnh Cà Mau và BV Sản - Nhi Cà Mau đủ điều kiện thực hiện đề án BV vệ tinh.

Cà Mau đang thực hiện gói kỹ thuật tim mạch và ung bướu. Trước đây, gói kỹ thuật chấn thương chỉnh hình đã thực hiện xong và đang mang lại hiệu quả rất lớn.

“Tỉnh đang trong tiến trình thực hiện đề án, với những phần gì thuộc về tỉnh thì cố gắng làm cho xong. Sau đó, họ sẽ xuống nghiệm thu thấy khả thi thì ký hoàn thành từng gói kỹ thuật”, ông Dũng thông tin.

Cà Mau: Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm về y tế  - 2

Đại biểu Nguyễn Sơn Ca nêu thực tế: "Một chuyến xe mấy chục chỗ thì có khoảng 70-80% là bệnh nhân đăng ký lên khám bệnh ở TPHCM".

Nhiều bệnh nhân phải đi khám bệnh ở tuyến trên

Phần trả lời của tư lệnh ngành Y tế Cà Mau có vẻ còn chung chung, đại biểu Nguyễn Sơn Ca nêu tiếp thực trạng: Qua thấy thực tế là các chuyến xe khách từ Cà Mau đi TPHCM mỗi một đêm có khi cả trăm lượt, trên xe mấy chục ghế thì có khoảng 70-80% là bệnh nhân, lý do tất cả đều đăng ký đi khám bệnh ở các BV tuyến trên.

Hay nói cách khác là nhu cầu khám, chữa bệnh của bà con nhân dân mình rất lớn, trong khi BV tuyến tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện cũng như niềm tin, năng lực thực tế thì người dân chưa đặt kỳ vọng nhiều.

“Đề án bệnh viện vệ tinh là hướng đi rất đúng, tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao có giải pháp ưu tiên nào làm nhanh, trong thời gian ngắn nhất hoàn thành đề án để bà con không phải đi xa, lên tới tận TPHCM để khám, chữa bệnh nữa”, đại biểu Sơn Ca đề nghị lãnh đạo Sở Y tế nói cụ thể hơn.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau- ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện BV đa khoa tỉnh Cà Mau có đề án với BV Chợ Rẫy và BV Ung Bướu, với các gói kỹ thuật cơ bản.

Theo ông Dũng, không phải tất cả những kỹ thuật gì của BV Chợ Rẫy sẽ chuyển giao hết, mà chỉ chuyển giao một số nhóm kỹ thuật rất cần thiết và khả năng tỉnh tiếp nhận được. Chúng ta làm từng bước, sau đó thấy điều kiện khá hơn thì làm tiếp gói kỹ thuật khác.

“Trước hết là tim mạch, chấn thương, ung thư, xạ trị,… Tất cả cái này nhân lực tuy khó khăn nhưng không đến đổi. Cái còn lại là tiền, như máy xạ trị gần cả trăm tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020 triển khai kế hoạch này”, ông Dũng nói.

Cà Mau: Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm về y tế  - 3

Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đang triển khai thực hiện đề án là BV vệ tinh của BV tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cũng cho biết, với BV Sản - Nhi Cà Mau, phần nhi khoa thì hợp đồng với BV Nhi Đồng 1. Đơn vị này đã hoàn thành một giai đoạn làm được 9 gói kỹ thuật và đang làm giai đoạn tiếp theo.

Riêng về sản của BV Từ Dũ thì đang tiếp chuyển giao phần thụ tinh nhân tạo, trong đó có phần thụ tinh trong ống nghiệm. Đề án này cũng dự kiến đến năm 2020 triển khai.

“Nói chung những cái đó là cần tiền cả, mà chúng ta thì còn khó khăn, tiền không đủ, trong khi nhu cầu của y tế là rất lớn”, ông Dũng trăn trở.

Huỳnh Hải