Cả đêm tìm thuốc hạ sốt cho con
(Dân trí) - Không riêng gì trẻ em, người lớn, khi đi chơi xa rất dễ bị đổ bệnh bởi sự thay đổi môi trường, thời tiết, sinh hoạt. Vì thế, đi xa hãy chủ động mang sẵn một số loại thuốc hạ sốt, cảm mạo… để kịp thời “hỗ trợ” khi có vấn đề.
Cho con đi Đà Nẵng 1 tuần dịp 30/4 vừa qua, anh chị Hồng Châu được một phen hú vía vì con bỗng lên cơn sốt đùng đùng lúc nửa đêm. “Thấy con sốt, mình lục túi thuốc trong hành lý thì…thôi rồi, cả túi thuốc đã chuẩn bị, gồm cả kẹp nhiệt độ, thuốc hạ sốt… đã để quên ở nhà. Vợ tưởng chồng, chồng tưởng vợ lấy, thành ra quên cả. 2h sáng, mình thì vừa ôm con chườm, vừa lo. Chồng vốn là bác sĩ, mà vẫn không “vững dạ” chườm cho con được vì bé sốt đến 39 độ C, không thể cứ lúc lại cho con vào chậu nước, mà chườm thì bé đang mơ màng ngủ lại giật mình nên đành phải ra ngoài tìm hiệu thuốc”, chị Hồng Châu nhớ lại. Nhưng ngặt nỗi, nửa đêm về sáng, chẳng còn hiệu thuốc nào mở cửa. Cuối cùng, chồng chị Hồng Châu đã phải đi đến bệnh viện mua thuốc hạ sốt trong nhà thuốc bệnh viện.
Vấn đề là cần sẵn sàng ứng phó trong tình huống cụ thể. Như khi con sốt thì theo dõi nhiệt độ, hạ sốt bằng paracetamol. Bé bị tiêu chảy thì cho uống men tiêu hóa, oresol bù dịch, theo dõi con và nếu thấy có biểu hiện nặng nên thì đưa con đến viện khám.
Vì thế, khi đưa con đi du lịch cha mẹ nên chú ý mang theo một số loại thuốc dự phòng quen thuộc: như thuốc hạ sốt, oresol, men tiêu hóa, thuốc chống tiêu chảy thông thường... Với trẻ còn nhỏ, ăn bột thì nên chuẩn bị sẵn thức ăn, mang bột chế biến sẵn.
Để tránh tình trạng quên, mỗi nhà nên có một túi thuốc du lịch. Trong đó luôn sẵn sàng các loại thuốc hạ sốt, kẹp nhiệt độ, men tiêu hóa, thuốc tiêu chảy thông thường, thuốc bôi ngoài da côn trùng cắn, bông băng cá nhân…. Chỉ cần thỉnh thoảng kiểm tra hạn sử dụng của thuốc. Còn bất cứ khi nào cần lên đường là đã có.
Khi đi chơi, cần chú ý cho trẻ đội mũ rộng vành, đeo kính râm, thoa kem chống nắng lúc trẻ chơi trên bờ biển và đặc biệt cần cho trẻ uống đủ nước. Nhiều trẻ có hiện tượng sốt là do bé chơi quá nhiều dưới nắng, không được uống đủ nước khiến cơ thể mất nước, sinh nhiệt. Khi cho trẻ xuống biển tắm thì cần tránh nóng lạnh đột ngột khiến bé dễ ốm, không để trẻ tắm quá lâu. Khi từ dưới biển lên thì nên khoác khăn bông, lau khô người, thay đồ khô rồi mới nên chơi tiếp để phòng cảm lạnh do quần áo ướt dính vào người.
Tú Anh