BV Nhi Đồng 1 cấp cứu thành công 2 ca bệnh nặng

(Dân trí) - Khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1(BV NĐ 1) đã cấp cứu thành công 2 ca bệnh nặng: Một bị sốt xuất huyết hiếm gặp và ca suyễn nặng với nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhi bị SXH là bé trai H.N.Q, 3 tuổi, ngụ Tiền Giang, được bệnh viện huyện chuyển đến trong tình trạng mê man, gồng giật. Người nhà cho biết Q. đã bị sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, ói mửa, gia đình đưa đến bệnh viện huyện điều trị. Sau đó, Q. có biểu hiện mê, co gồng, nôn ói ra máu và được chuyển đến BV NĐ1.

 

Tại BV NĐ1, bé Q.luôn mê sảng, gồng giật toàn thân, khó thở và xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết da dạng chấm. Hôm sau. Q. vẫn có biểu hiện sốc, xét nghiệm máu cho thấy Q. bị tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết và hạ natri máu nặng. BS chẩn đoán sơ bộ, bé Q. bị SXH dạng não và được hỗ trợ hô hấp, chống sốc bằng dịch truyền, chống co giật….. Đến nay, sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng Q. cải thiện dần, tỉnh táo, hết gồng giật, ăn uống được.

 

Với bé gái N.V.T.Đ. 8 tuổi, ngụ Q.12, bé được đưa đến cấp cứu ở BV NĐ 1 trong tình trạng khó thở tím tái, cha mẹ cho biết N. bị sốt nhẹ, ho sổ mũi, đến đêm ngày thứ 2 thấy em lên cơn khò khè thở mệt nên đưa em nhập viện.

 

Khi vào cấp cứu, em TĐ có biểu hiện khó thở, co kéo lồng ngực, tím tái, đường thở có dấu hiệu bị co thắt nặng, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) chỉ đạt 84% (bình thường phải  đạt 92 - 96%). Đ. được chẩn đoán bị suyễn cơn nặng, được điều trị ngay lập tức với thở oxy, khí dung salbutamol phối hợp ipratropium 3 lần liên tiếp cách mỗi 20 phút và corticoid đường toàn thân.

 

Sau điều trị ban đầu, bệnh bé T.Đ vẫn còn nặng nên được tiếp tục cho phun các khí dung và truyền tĩnh mạch thuốc magnesium sulfate - điều trị cắt cơn suyễn sau thất bại điều trị ban đầu. Khoảng 2 ngày tích cực,tình trạng bé TĐ. đã cải thiện, bớt khó thở, ăn uống được và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Hô hấp. Được biết, tiền sử TĐ bị suyễn từ lúc 3 tuổi nhưng chưa được khám và quản lý bệnh suyễn.

 

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, SXH dạng não tuy hiếm gặp nhưng diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, hay tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ ăn uống… cần phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

 

Phụ huynh có con em bị suyễn, hãy đưa đến BV NĐ1 để được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh suyễn tại nhà cũng như nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa các cháu đến bệnh viện kịp thời. Hay nhớ giữ ấm trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây cơn suyễn như lông chó mèo, khói thuốc lá, bụi nhà, thú nhồi bông, mền lông,...

 

Ngọc Thanh