Buồn vui nghề điều dưỡng bệnh da liễu

(Dân trí) - “Tôi từng phải giấu gia đình hoặc phải dối là đã chuyển công tác, nhất là thời kỳ đầu có bệnh nhân AIDS nhập viện bởi sự kỳ thị khi đó còn rất nặng nề”, chị Nguyễn Thị Tố Nga, điều dưỡng viên kỳ cực tại BV Chuyên khoa Da liễu (Đà Nẵng) tâm sự.

“Chăm một bệnh da bằng chăm mười bệnh đa khoa thông thường”

 

Thực sự như vậy. Điều dưỡng trưởng BV Da liễu Đà Nẵng Lê Thị Kiều Trang nói: “Bệnh da chia thành 3 cấp I, II, III. Ở cấp thứ II thì người bệnh còn tự chăm sóc được những khâu vệ sinh cơ bản nhưng bệnh nặng cấp I thì điều dưỡng phải chăm lo từ việc vệ sinh, tắm rửa, thay áo quần, bôi thuốc, chăm sóc đến từng tổn thương nhỏ trên cơ thể của người bệnh và chăm sóc cả về tinh thần, giúp họ phần nào vơi đi đau đớn thể xác và cả sự suy sụp, chán nản vì bệnh tình.

 

Phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân để có phương pháp tư vấn, trấn an tinh thần và để tìm cách tiếp cận tốt khiến bệnh nhân sẵn sàng hợp tác với mình trong điều trị bệnh. Trực điều dưỡng bệnh nặng, nhất là khi có bệnh nhân AIDS thời kỳ cuối, chúng tôi luôn trong tình trạng báo động, phải sẵn sàng y cụ. Đôi khi vì tiếng chuông gọi từ phòng bệnh, thót tim một cái, quáng quàng chạy không kịp mang găng tay, khẩu trang lọc khuẩn thì rất nguy hiểm cho bản thân khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh.

 

Các bệnh da thông thường có người nhà bệnh nhân phụ chăm sóc còn những bệnh có nguy cơ  lây nhiễm như phong, lao, HIV thì hầu như người nhà bỏ bê bệnh nhân thấy rất thương tâm. Nhiều bệnh nhân AIDS từ khi nhập viện đến khi trút hơi thở cuối cùng chỉ có một lần duy nhất chúng tôi gặp người nhà là khi họ đến làm thủ tục cho bệnh nhân nhập viện”.

 

“E sợ nhưng thương lắm”

 

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tố Nga, người được coi là kỳ cựu nhất tổ điều dưỡng, đã gắn bó hơn 30 năm với các bệnh nhân da liễu. Từng ấy năm, chị không thể nhớ hết mình đã trực tiếp chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân AIDS.

 

Chị kể lại: “Còn nhớ bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên nhập viện năm 1993 tên Vĩ. Khi nhập viện, bệnh nhân đã rất tiều tuỵ và suy sụp. Sự kỳ thị lúc đó còn quá nặng nề. Ngay cả như điều dưỡng viên, thật lòng cũng rất e sợ vì chưa từng qua một lớp hướng dẫn riêng cho bệnh nhân nhiễm HIV, dụng cụ bảo hộ y tế khi đó thì chỉ có một vài đôi găng tay mới mua. Vậy mà nhìn thấy bệnh nhân lủi thủi ra vào, đi đâu cũng có những ánh mắt khinh thị nhìn theo, có người vừa thấy bệnh nhân đã vội đứng dậy lẩn đi ngay, chị không đành lòng”.

 

Nhưng ngay cả việc đi mua thức ăn và các vật dùng sinh hoạt cần thiết cho bệnh nhân cũng khiến chị phải đối diện với những kỳ thị. Rồi người thân gia đình có hỏi cũng nói giấu là đã chuyển sang công tác khác để tránh sự ngăn cản vì chỉ riêng chị hiểu công việc mình làm, hiểu mình vẫn có thể bảo vệ được bản thân mà vẫn tận tuỵ được với nghề.

 

Một kỷ niệm khác là lần chị đi công tác điều động chăm sóc bệnh nhân tại làng Vân (làng tập trung bệnh nhân phong tại thôn Hòa Vân, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Hầu như người bệnh ở đây sống xa lánh thế giới bên ngoài, hễ có bóng dáng người lạ là họ trốn mất biệt nên hơn cả tháng trời chị mới tiếp cận được. Xa gia đình, điều kiện công tác thiếu thốn, phương tiện đi lại từ đất liền ra làng khi ấy rất khó khăn… nhưng đắp đổi lại là những cảm nhận sâu sắc ý nghĩa công việc mình làm khi thấy người bệnh đã đỡ vật vã vì bệnh và cởi mở với bên ngoài hơn.

 

Điều dưỡng viên chuyên khoa da liễu thực sự không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà những người như chị Nga, chị Trang và cả những điều dưỡng viên trẻ ở bệnh viện Da liễu còn có cả tấm lòng với người bệnh. Đó chính là bí quyết giữ họ ở lại, tận tuỵ và bám nghề bao năm nay.

 

Xin mượn lời của chị Nguyễn Thị Hồng, người thân của bệnh nhân T.T. Diệu, học sinh trường PTTH Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam, mắc bệnh vảy nến đang điều trị tại viện để để khép lại bài viết này: “Cháu nhà tôi mắc bệnh từ năm lên 4 tuổi. Từ bấy đến nay, bệnh viện như ngôi nhà thứ hai vì đôi ba tháng cháu lại nhập viện. Quá quen thuộc, gắn bó với những điều dưỡng viên ở đây, tôi thực sự nể phục họ khi chứng kiến các anh chị không ngại ngần chăm sóc những tổn thương của người bệnh, mà nói thật nếu không quen mắt, người thường như mình sẽ thấy ghê sợ. Nhiều bệnh nhân đã lỡ loét hết cả người, không tìm được ven để tiêm thuốc vậy mà các anh, chị vẫn kiên trì cả ngày trời chỉ để tìm được đường ven truyền thuốc cho bệnh nhân”.

 

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm