Bùng phát ổ dịch lỵ trực trùng tại Lai Châu, đã có người tử vong
Từ tháng Hai đến ngày 20/5, trên địa bàn xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã bùng phát bệnh lỵ trực trùng trên người, có 60 trường hợp được khám lâm sàng, điều trị tại cơ sở y tế.
Theo kết quả giám sát dịch của Trạm y tế xã Ma Ly Chải, cuối tháng Hai, có một số trường hợp trên địa bàn có triệu chứng nghi mắc bệnh lỵ trực trùng như sốt, đau bụng, đau quặn, đi ngoài phân lỏng 5-6 lần/ngày, phân nhầy… Đặc biệt, vào cuối tháng Tư, số trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng tăng lên 27 ca, bùng phát thành ổ dịch.
Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đã tiếp nhận 11 ca lỵ trực trùng ở xã Ma Ly Chải chuyển xuống điều trị; trong đó, có một trường hợp là bà Chang Lở Mẩy, 74 tuổi ở bản Tả Chải đã tử vong do tuổi cao và mắc bệnh lỵ trực trùng.
Nguyên nhân mắc bệnh được xác định do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, việc ăn, ở mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi. Khí hậu mùa Hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là cơ hội cho các loại côn trùng truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh.
Ngay sau khi xuất hiện các trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với trực khuẩn Shigella flexeneri- lỵ trực trùng.
Bác sỹ Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lai Châu khẳng định: Vùng ổ dịch lỵ trực trùng tại xã Ma Ly Chải cơ bản đã được kiểm soát. Về lâu dài, ngành cũng đã có công văn đề nghị chính quyền huyện Phong Thổ hỗ trợ người dân thùng chứa nước ăn tại gia đình, hỗ trợ xà phòng để thực hiện rửa tay thường xuyên, hỗ trợ hóa chất để khử khuẩn.
Ngoài ra, ngành cũng đã hỗ trợ thuốc kháng sinh điều trị dự phòng cho các đối tượng nguy cơ cao tại xã để hạn chế các ca bệnh mắc mới. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Xã Ma Ly Chải có 4 bản, 99% người dân là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường còn khá phổ biến, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu chỉ đạt 7%.
Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ các mạch nước ngầm trong đất dẫn trực tiếp vào bể chứa tập trung, không qua xử lý. Trong khi đó, người dân đi làm nương dài ngày, uống nước trực tiếp không qua nấu chín.
Theo Việt Hoàn - Quang Duy
TTXVN