Huế:
BS trẻ được ưu đãi tối đa khi về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo
(Dân trí) - Ngày 16/6, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế và trường ĐH Y Dược Huế tọa đàm “Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Đây là đề án do Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam xây dựng nhằm cải thiện thực trạng thiếu bác sĩ, cán bộ y tế ở những vùng hẻo lánh, nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới y tế cơ sở.
Được biết ở nhiều tỉnh miền núi và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của cả nước, đặc biệt là 62 huyện nghèo của 20 tỉnh, người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng do điều kiện giao thông khó khăn, thiếu cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực bác sĩ.
Với tinh thần khơi dậy, phát huy tính xung kích, tình nguyện, nâng cao nhận thức về giá trị nghề nghiệp, tinh thần phục vụ của các BS trẻ nhằm giải quyết việc thiếu hụt BS ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, buổi tọa đảm nhằm tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc hướng dẫn BS nội trú, thạc sĩ, BS các BV, SV của trường ĐH Y Dược Huế trong việc sẵn sàng tình nguyện đăng ký tham gia dự án.
Hàng ngàn SV, BS Đa khoa mới ra trường, BS nội trú đã hào hứng đến tham dự tọa đàm, đặt ra nhiều câu hỏi quan tâm về dự án mới mẻ rất có ý nghĩa của Bộ Y tế. Lãnh đạo các sở Y tế, các bệnh viện của Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cùng trao đổi, giới thiệu tiềm năng thu hút các bác sĩ về với địa phương mình. Đặc biệt, Sở y tế tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều mức hấp dẫn về hỗ trợ kinh phí, chỗ ở cho BS trẻ tốt nghiệp khá, giỏi, BS nội trú, BS đạt trình độ thạc sĩ nếu tới tỉnh này phục vụ.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết các bác sĩ trẻ tham gia dự án được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển và ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; được cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I miễn phí theo các chuyên ngành mà địa phương có nhu cầu; được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề... Giai đoạn 1 dự án từ năm 2013-2016, dự kiến có khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện sẽ được đưa về 62 huyện nghèo của 20 tỉnh.
“Điểm hấp dẫn nhất là các BS sau thời gian công tác 3 năm (đối với nam), và 2 năm (nữ) khi về lại BV mà mình đã ký hợp đồng sẽ chắc chắn được nhận vào ngạch viên chức, đảm bảo điều kiện công việc ổn định dài lâu, một điều mà hiện nay nhiều BS mơ ước. Nhưng nếu BS đó về làm tại địa phương mà tư cách, công việc không tốt như say xỉn, phục vụ bệnh nhân kém thì cũng phải được xem xét lại, hoặc là không được nhận vào ngạch viên chức sau khi hết hạn công tác.
Bên cạnh đó, lương của các BS khi đi phục vụ tại vùng sâu vùng xa có nhiều khoản phụ cấp, tổng lương khoảng 15 triệu đồng nên rất ổn định về kinh tế. Chúng tôi cũng đang tính đến chuyện đưa các BS ra các vùng huyện đảo, và có thể là Hoàng Sa, Trường Sa để giúp cho y tế ở đây thêm vững mạnh”, ông Tác trao đổi.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, một điều khó khăn là tâm lý còn ngại khó đi xa của các BS trẻ. Nhưng với nhiều điểm ưu tiên, hấp dẫn của Dự án thì giai đoạn vừa qua đã có nhiều BS đến ghi danh, đăng ký. Hiện đã có 10 BS đã được đào tạo kỹ càng, phù hợp với chuyên môn chuẩn bị đi phục vụ bà con. Qua các cuộc tọa đàm ở các vùng miền có cơ sở y tế tốt trên cả nước, từ đây cho đến 2016 sẽ chọn ra đủ tất cả 500 BS để về công tác tại 62 huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng còn khó khăn của 20 tỉnh tại Việt Nam.
Đối tượng của Dự án là BS chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi và BS nội trú tại các trường ĐH Y trong cả nước; BS đã tốt nghiệp các trường ĐH Y chưa chính thức được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Ưu tiên những BS là người thuộc tỉnh có bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện tham gia dự án, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương |
Đại Dương