“Bỏng toàn thân bẩm sinh”: bé đầu tiên xuất viện, bé thứ 2 chuẩn bị được cứu
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ cho biết: Sau 110 ngày điều trị, bệnh nhi mắc ly thượng bì bọng nước bẩm sinh đầu tiên được ghép tủy sẽ xuất viện và một bé 30 tháng tuổi đang chuẩn bị được ghép tủy từ người chị gái hơn bé 3 tuổi.
Sau lưng bệnh nhi Việt Anh chỉ còn 1 nốt bỏng nước nhỏ...
... còn ngực bụng, tay chân đều lành lặn như chưa bao giờ bị bệnh
Cách đây đúng 110 ngày (26/10), cậu bé 4 tuổi Nguyễn Việt Anh được tiến hành ghép tủy, điều trị căn bệnh nan y ly thượng bì bẩm sinh. Nhớ lại thời điểm quyết định thực hiện ca ghép này, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Khi trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài về ghép tế bào gốc, nhiều người ngần ngại, không tin chúng tôi làm được và thậm chí còn khuyên là không nên làm”.
Vậy nhưng, sau 40 ngày phẫu thuật, các nốt phỏng nước, loét trợt đã giảm 70-80% và cho đến thời điểm này (gần 3 tháng), chị Trần Thị Hiền (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), mẹ bé Việt Anh cho biết: “Cháu giờ rất thích tắm, các nốt phỏng nước đã giảm tới 90%, chỉ còn xuất hiện ở những vùng hay cọ xát, tiếp xúc; 10 ngày nay không còn xuất hiện các nốt loét trợt trong miệng”.
Chị Hiền, mẹ bé Việt Anh xúc động nói: "Bây giờ cháu mới thực sự có da có thịt"
Sau khi thực hiện các chẩn đoán lâm sàng, thấy các nốt phỏng chỉ còn 1/10, những nốt phỏng nặng cũng chỉ còn rất nhẹ. Kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể đã sản sinh chất collagen, chất giúp liên kết các tổ chức da, các bác sĩ bệnh viện Nhi TƯ khẳng định, bệnh nhi Việt Anh hoàn toàn có thể trở về nhà, tiếp tục uống thuốc chống thải ghép và tuân thủ khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Liêm (phía bên trái) hỏi thăm bệnh nhi trước giờ xuất viện
PGS. TS Trần Minh Điển chia sẻ niềm hạnh phúc không nói thành lời của mẹ bệnh nhi
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: “Sẽ đưa phẫu thuật ghép tủy điều trị ly thượng bì bẩm sinh thành một hoạt động thường quy. Thành công này là bước tiến rất quan trọng đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bởi việc điều trị ghép tủy cho bệnh nhân ly thượng bì bẩm sinh mới chỉ được thực hiện tại 1 trường ĐH của Mỹ với chi phí lên tới 1 triệu đô la/ca. Trong khi đó, với quyết tâm, chúng ta đã làm được những điều mà nhiều TT Y khoa tiên tiến trên thế giới chưa làm được với chi phí chỉ khoảng 20-30.000 đô la/ca. Điều này sẽ tạo niềm tin cho các nhà khoa học Việt Nam rằng có thể làm được những việc mà các nước tiên tiến hiện chưa làm được”.
Bài và ảnh: Thu Phương