1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỏng tay, hoại tử chân vì chất thông cống

Sau khi đổ chất thông cống xuống đường ống nước xả bị nghẹt, nạn nhânbất ngờ nghe một tiếng nổ lớn, cột nước cao 1,2 m phụt lên gây bỏng nặng.

Những chất tẩy rửa tưởng như đơn giản, được nhiều người sử dụng thường xuyên nhưng lại là nguy cơ gây bỏng. Không chỉ tổn thương ngoài da, bỏng từ chất tẩy rửa - thực chất là acid có thể gây ra nhiều tổn thương nặng, khó điều trị, thậm chí gây tử vong.

Thông cống hoại tử cả chân

Do ống xả nước gia đình bị nghẹt, ông Đỗ Thanh Dũng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ra tiệm mua một chai nước thông cống. Thực hiện theo hướng dẫn, ông Dũng đem chai hóa chất đổ xuống đường ống nước xả bị nghẹt. “Bất ngờ tôi nghe một tiếng nổ lớn, tiếp đó một “cột nước” cao khoảng 1,2 m phụt lên” - ông Dũng kể.

Mặc dù đã kịp thời né sang một bên nhưng chân phải ông Dũng vẫn bị “nước” thông cống bắn vào làm da bị cháy lốm đốm, bỏng rát. Sau khi được sơ cứu bằng cách xả dưới vòi nước sạch, ông Dũng được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định.

Sau hơn hai tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao, thay băng, tra thuốc, thăm khám mỗi ngày, những phần tử bỏng sâu trên chân ông vẫn bị hoại tử. Các bác sĩ đã phải cắt, lọc bỏ những phần hoại tử và cấy ghép da chân cho ông Dũng. Vết lọc dài nhất đến 16 cm. Chi phí điều trị gần 20 triệu đồng nhưng các bác sĩ chẩn đoán vết bỏng acid không thể hồi phục như ban đầu.

Tương tự, anh Lê Danh Dũng (quận 12) cũng chưa hết thất thần khi kể lại tai nạn không ngờ ngày 2-7 vừa qua. Do bồn rửa chén ở nhà bị nghẹt, anh ra tiệm điện nước thì được tư vấn mua nước thông cống cực mạnh, chỉ cần đổ vào vài phút sau sẽ hết tắc. Theo lời anh Dũng, sau khi mua chai nước thông cống về, theo đúng hướng dẫn của chủ tiệm và hướng dẫn trên nhãn chai, anh đổ trực tiếp dung dịch vào bồn rửa và dự định đợi một lát sẽ cho các chất phân hủy rồi dội nước. Tuy nhiên, sau khi đổ hóa chất vào vài giây thì bồn rửa chén phụt lửa và có một tiếng nổ nhỏ. Vì quá bất ngờ, không kịp phản ứng, anh bị bỏng toàn bộ cánh tay phải.

Tại khoa Bỏng-Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương TP.HCM, anh Dũng được các bác sĩ chẩn đoán bỏng độ 2, độ 3 do acid.

Chân của nạn nhân Đỗ Thanh Dũng (trái) và anh Lê Danh Dũng bị bỏng tay do chất tẩy rửa (phải). Ảnh: H.PHƯỢNG
Chân của nạn nhân Đỗ Thanh Dũng (trái) và anh Lê Danh Dũng bị bỏng tay do chất tẩy rửa (phải). Ảnh: H.PHƯỢNG

Bỏng hóa chất rất nguy hiểm

Không chỉ các chất tẩy rửa như nước thông cống có chứa acid mới gây bỏng. Tại khoa Bỏng BV Trưng Vương, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bỏng do chất tẩy rửa ở nhiều cấp độ khác nhau.

Theo TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng-Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương, thông thường các chất tẩy rửa, bình xịt muỗi, diệt côn trùng là những thứ quen thuộc với người dân nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng nhiệt, bỏng acid cho người dùng.

BS Khanh cho ví dụ: “Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị bỏng do sử dụng bình xịt muỗi. Bệnh nhân mua chai xịt muỗi về nhà, đóng kín cửa phòng rồi xịt một lượng lớn để diệt muỗi. Tuy nhiên, sau khi xịt xong thì điện cúp, anh này mở cửa phòng vào bật quẹt lửa thắp nến thì lửa bùng lên do nồng độ hóa chất trong phòng còn quá nhiều. Bệnh nhân bị bỏng nhẹ vào điều trị tại đây”.

Theo BS Khanh, trong các trường hợp bỏng trên, dù là chất nào khi bị dính vào cơ thể nạn nhân cũng nên rửa ngay và rửa liên tục trong vòng 15-30 phút dưới vòi nước, không dùng bất kỳ chất dung hòa nào. Việc dội nước liên tục như vậy, thứ nhất sẽ làm trôi và pha loãng hóa chất còn đọng lại trên vết thương. Thứ hai là phản ứng nhiệt sẽ giảm đi trong quá trình hóa chất tiếp xúc với mô. Bỏng do những hóa chất có nồng độ đậm đặc thường sẽ gây tổn thương sâu, điều trị khó và thường để lại di chứng nặng nề.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một công ty chuyên sản xuất chất tẩy rửa cho biết nhiều trường hợp chất thông cống gây nổ hoặc phản ứng nhiệt là do người sử dụng không thực hiện đúng hướng dẫn. Đối với nước thông cống cực mạnh, trước khi sử dụng sản phẩm thì không sử dụng bất kỳ hóa chất nào khác trong vòng 24 giờ trước đó, để tránh các phản ứng hóa học gây cháy nổ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý không dùng hóa chất này cho các loại ống nhôm, inox, sắt...

ThS Phan Anh Bá Khôi, giảng viên Trường ĐH Bách khoa, phân tích: Thành phần của nước thông cống cực mạnh có chứa 50% là acid sunfuric (H2SO4), một loại acid khá nguy hiểm. H2SO4 là một trong ba loại acid vô cơ có tính chất hóa học cực mạnh, thường gây bỏng sâu khi tiếp xúc với cơ thể người. Do tính chất ôxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể người, acid phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể. Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với acid sunfuric đều sẽ dễ bị tổn hại và để lại di chứng nặng nề.

Acid sunfuric có thể gây tổn thương cho mô, đặc biệt trên màng nhầy của mắt, miệng và đường hô hấp, tiếp xúc ngoài da có thể gây bỏng. Thậm chí hít phải hơi acid sunfuric cũng gây kích thích đường hô hấp nghiêm trọng đặc trưng bởi ho, nghẹt thở hoặc thở dốc, nghiêm trọng hơn tiếp xúc nhiều và nặng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, hóa chất này còn tiềm năng ảnh hưởng mạn tính cho sức khỏe, tác dụng gây ung thư, có thể gây độc cho thận, phổi, tim mạch...

BV Trưng Vương thường xuyên tiếp nhận những ca bỏng. Trong đó sau bỏng nhiệt và bỏng điện là bỏng các chất hóa chất mà chất tẩy rửa là chủ yếu. Riêng BV Trưng Vương, bỏng hóa chất chiếm 10%-20 % so với các loại bỏng khác. Thị trường hiện nay có bán nhiều hóa chất thông dụng cho gia đình nhưng người dân ít được khuyến cáo về tác hại cũng như cách sử dụng và đề phòng tai nạn nguy hiểm.

TS-BS PHẠM TRỊNH QUỐC KHANH

Theo Hà Phượng

Pháp luật TPHCM