Bỏng ở trẻ em: Nhận diện những thủ phạm trong nhà

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây tại Anh cho thấy dụng cụ ép tóc là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây bỏng nặng ở trẻ nhỏ.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Dụng cụ tạo kiểu tóc này, thường đạt tới 170 độ và vẫn rất nóng trong thời gian tới 8 phút sau khi tắt, là  thủ phạm gây ra khoảng 5% số trường hợp trẻ bị bỏng phải điều trị tại bệnh viện.

 

Nghiên cứu của Trường Đại học Cardiff đã xem xét 1.215 trẻ dưới 16 tuổi bị bỏng phải vào điều trị tại một trong 9 khoa tai nạn và cấp cứu của bệnh viện hoặc cơ sở điều trị bỏng ở Anh và Ireland trong thời gian từ tháng 7/2008n đến tháng 12/2010.

 

Kết quả cho thấy 57 trẻ trong số này (chiếm 4,7%) tự gây bỏng cho mình do dụng cụ ép tóc, tương đương với 1.100 trẻ ở Anh và xứ Wales phải vào viện điều trị mỗi năm do loại dụng cụ này.

 

Các tác giả lưu ý rằng dụng cụ ép tóc, giống như bàn là, rất hay bị bỏ quên trên sàn nhà.

Họ kêu gọi các nhà sản xuất tìm cách giảm độ nguy hiểm của loại dụng cụ này: “Đồng thời với việc phải giữ những dụng cụ này ngoài tầm tay của trẻ, thì có thể tìm cách cải tiến thiết kế của sản phẩm để đảm bảo an toàn cho trẻ em”.

 

Đồ uống nóng là nguyên nhân gây bỏng hay gặp nhất, chiếm khoảng 29% số trường hợp thương tích cần điều trị, tiếp đó là nước nóng (22%) và thức ăn nóng (7,4%).

 

Ở phần lớn các trường hợp dưới 5 tuổi, trẻ tự đánh đổ đồ uống hoặc thức ăn nóng vào người. Bé nhỏ tuổi nhất bị tai nạn kiểu này là 8 tháng tuổi. Trẻ 1 tuổi bị bỏng nhiều gấp 10 lần trẻ ở tuổi học đường.

 

Khoảng 6,2% số trường hợp bỏng trong nghiên cứu là do sờ vào ngăn lò nướng, 2,2% là do cửa lò nướng nóng và 1,8% là do lưới tản nhiệt nóng.

 

Các thương tích do bỏng bắt đầu hay gặp hơn khi trẻ được 9 tháng tuổi, là lúc trẻ bắt đầu biết tự bò mà không nhận thức được các mối nguy hiểm. Các bậc phụ huynh có vẻ thường chưa sẵn sàng cho giai đoạn này và đánh giá thấp tầm với của trẻ.

 

Trung bình trẻ 1 tuổi cao khoảng 75cm, bằng với chiều cao trung bình của bàn ăn và chỉ hơi thấp hơn chút ít so với mặt bàn bếp. Tỷ lệ bị bỏng giảm rõ rệt khi trẻ được 3 tuổi, có lẽ đi cùng với sự gia tăng nhận thức về mối nguy hiểm do nhiệt, cha mẹ cảnh giác hơn hoặc thời gian trẻ không ở nhà nhiều hơn.

 

Cách phòng ngừa tốt nhất là áp dụng các biện pháp an toàn -  nếu trẻ với được một đồ vật nào đó, trẻ sẽ cố chạm vào và nghịch món đồ. Dưới đây là một số lời khuyên để giữ an toàn cho trẻ:

 

- Cất diêm và bật lửa tránh xa khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ.

- Sử dụng ấm đun nước có quai ngắn hoặc cong để không bị nhô ra khỏi mép bàn khiến trẻ có thể túm được.

- Quay cán chảo vào bên trong để trẻ không với được.

- Tốt nhất là giữ trẻ nhỏ tránh xa bếp, ấm đun nước, xoong chảo và cửa bếp lò nóng – có thể dùng thanh chắn để ngăn không cho trẻ vào bếp

- Để đồ uống nóng xa trẻ - đồ uống nóng thường vẫn đủ nóng để gây bỏng cho trẻ tới 20 phút sau khi pha chế xong

- Khi dùng cong bàn là hoặc dụng cụ ép tóc, phải để ở chỗ xa tâm fvới của trẻ trong khi chờ nguội – những dụng cụ này có thể gây bỏng trong tới 8 phút sau khi tắt.

- Đảm bảo trẻ không sờ được vào cán của dụng cụ ép tóc hoặc bàn là trong khi bạn sử dụng những dụng cụ này.

 

Cẩm Tú

Theo Telegraph và NHS