Bỗng dưng chảy máu chân răng ồ ạt, nguy kịch tính mạng dù âm tính sốt xuất huyết?
(Dân trí) - Trường hợp nam thanh nguy kịch do tiểu cầu hạ xuống đến mức 9 (bình thường từ 150 – 450), khi đang “hoàn toàn khỏe mạnh” được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng xuất huyết biến thể. Đặc biệt, bệnh nhân này xét nghiệm ở ngày thứ hai không cho kết quả dương tính với SXH.
Theo đó, diễn tiến của bệnh nhân này ngày đầu tiên sốt rất cao, đau đầu dữ dội. Sau một ngày bệnh nhân đi khám, xét nghiệm cho kết quả âm tính với SXH, tiểu cầu ở ngưỡng 244. Bệnh nhân được điều trị như một ca sốt vi rút thông thường nhưng đang trong mùa dịch SXH, bác sĩ chỉ định chỉ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, bù điện giải oresol, uống nhiều nước trái cây và chờ xét nghiệm lại.
Diễn biến ngày thứ 3, bệnh nhân hạ sốt, ăn uống bình thường trở lại. Đến ngày thứ 4 hết sốt, hết đau đầu và có thể làm việc trên máy tính như bình thường.
Tiếp đó ngày 5 bệnh nhân khỏe hơn, hết đau đầu có có đau họng. Và trong ngày thứ 5 này, bệnh nhân gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà để kiểm tra thì kết quả vẫn âm tính với SXH, tiểu cầu giảm xuống 144 (vẫn trong mức của người bình thường).
Theo chia sẻ của vợ bệnh nhân, gia đình đã sai lầm khi không xét nghiệm tiểu cầm hàng ngày để theo dõi và xử lý kịp thời. Bởi các ngày tiếp theo ngày thứ 6, 7, 8 bệnh nhân hoàn toàn bình thường, khỏe, ăn uống tốt. Nhưng đến sáng ngày thứ 9, dù bệnh nhân cảm thấy khỏe khoắn, dậy sớm để đưa con đến trường thì xảy ra sự cố.
Khi đánh răng, bệnh nhân bị chảy máu chân răng liên tục, không cầm. Lúc này trên da cũng xuất hiện lác đác các chấm đỏ li ti.
Ngay lập tức, bệnh nhân được người nhà đưa đến viện và kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu hạ còn 9, máu chân răng vẫn chưa thể cầm. Bệnh viện đã truyền tiểu cầu và huy động người nhà bệnh nhân tiếp tục hiến tiểu cầu bởi tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu rất nguy hiểm, có thể đe dọa xuất huyết não, nội tạng… Sau hơn một ngày căng thẳng do tiểu cầu hạ thấp, bệnh nhân hiện đã qua cơ nguy kịch.
Vì sao âm tính SXH?
Về ca bệnh này, BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong thực tế điều trị, có những ca khi xét nghiệm ngày đầu âm tính với SXH, dù các biểu hiện cho thấy dấu hiệu điển hình của căn bệnh này.
Theo BS Cấp, điều này không bất thường bởi kết quả âm tính hay dương tính SXH phụ thuộc vào thời điểm lấy máu xét nghiệm và phương thức xét nghiệm.
“Trong 1 – 2 ngày đầu tiên, có một số trường hợp SXH xét nghiệm chưa dương tính bởi số lượng vi rút trong máu chưa quá nhiều, chưa đủ để cho kết quả xét nghiệm dương tính. Những trường hợp này vẫn nghi ngờ SXH thậm chí làm lại. Hay những bệnh nhân làm xét nghiệm ở ngày thứ 5 – 6 thì lúc này trong máu cũng đã hết vi rút, trong khi kháng thể chưa đạt đến nồng độ cao, lúc này làm xét nghiệm vi rút và xét nghiệm huyết thanh nhưng đều âm tính nhưng vẫn là SXH”, BS Cấp nói.
Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu làm xét nghiệm và lựa chọn phương thức xét nghiệm. Những ca bệnh này muốn khẳng định hay không sau ngày thứ 7 làm huyết thanh dương tính..
Khuyến cáo xét nghiệm tiểu cầu trong 3 ngày liên tiếp
Về biến chứng bệnh nhân gặp phải chảy máu chân răng do hạ tiểu cầu xuống ngưỡng nguy hiểm, BS Cấp cho biết việc bỏ quãng xét nghiệm công thức máu có thể dẫn đến tình huống này. Bởi khi bị SXH có 2 nguy cơ biến chứng là cô đặc máu và hạ tiểu cầu.
Biến chứng hạ tiểu cầu không liên quan đến các biểu hiện mệt mỏi, li bì. Người bệnh vẫn thấy khỏe mạnh bình thường dù tiểu cầu vẫn hạ. Điều này lý giải có những bệnh nhân đang khỏe mạnh, chủ quan không theo dõi tiểu cầu đột nhiên bị xuất huyết.
Trong khi đó, biến chứng cô đặc máu do SXH lại liên quan rất nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì.
“Vì thế, chúng tôi thường khuyến cáo bệnh nhân xét nghiệm công thức máu của 3 ngày liên tiếp, 4 – 5 – 6, lúc đó sẽ đánh giá được xu thế của tiểu cầu đi xuống hay đi lên. Nếu ngày thứ 6 vẫn có xu thế đi xuống thì ngày thứ 7 vẫn phải làm xét nghiệm. Còn nếu ngày thứ 4 thấp, 5 thấp, thứ 6 bắt đầu tăng lên sẽ không cần làm nữa”, BS Cấp nói.
BS Cấp giải thích thêm, theo dõi biến chứng hạ tiểu cầu là phải theo dõi xu thế chứ không theo dõi một thời điểm được.
Khi bị sốt xuất huyết, hãy đi tái khám, xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, nếu thấy bệnh nhân mệt lả đi, thấy buồn nôn nhiều hoặc nôn nhiều, thấy đau , đau tức vùng gan, bệnh nhân vẫn còn sốt cao liên tục, có tình trạng chảy máu xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, kinh nguyệt bất thường, trẻ con lờ đờ li bì tiểu ít hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất.
Hồng Hải