Bộ Y tế nói gì về đề xuất khai báo y tế để ngăn đậu mùa khỉ?

Nam Phương

(Dân trí) - Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giao Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và các Vụ/Cục phối hợp với địa phương có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, mới đây UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho thực hiện khai báo y tế với tất cả trường hợp nhập cảnh tại các cửa khẩu. Mục đích phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, từ đó ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng 2/8, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Việt Nam đang cùng lúc đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, Covid-19. Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Tại Ấn Độ cũng đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. 

Bộ Y tế nói gì về đề xuất khai báo y tế để ngăn đậu mùa khỉ? - 1

Ảnh minh họa.

"Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước. Chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ", Quyền Bộ trưởng nói. 

Trước đó TPHCM đề xuất triển khai khai báo y tế tại cửa khẩu. Về vấn đề này, Quyền Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng các Vụ/Cục phối hợp với các địa phương có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát, giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, cần làm gì để địa phương dễ dàng triển khai được ngay. 

Trao đổi trước đó, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết WHO đánh giá mức độ dịch toàn cầu đang ở mức trung bình, còn ở Việt Nam ở mức thấp đến trung bình. Việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc. Phía Cục đã hội ý, xin ý kiến Hội đồng khoa học để xem xét việc triển khai khai báo y tế.

TS Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì cho rằng các cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, không phải là ở sân bay. Có 2 nhóm người nguy cơ cao nhất là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác. WHO nhận định nguy cơ mắc bệnh trên toàn cầu ở mức trung bình (riêng khu vực châu Âu ở mức nguy cơ cao).

Đến nay, thế giới đã ghi nhận 21.000 ca mắc tại 78 nước và 7 ca tử vong, trong đó đã có trường hợp tử vong bên ngoài khu vực lưu hành của bệnh (Tây Ban Nha, Brazil). Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Biểu hiện triệu chứng của bệnh tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to. Các triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai (gây thai chết lưu hoặc mắc đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc người suy giảm miễn dịch. 

Trước đó, cuối tháng 4, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc về việc tạm dừng khai báo y tế với bệnh Covid-19 tại cửa khẩu. Trong khi đó, vẫn duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm