1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế cảnh báo người dân không "mắc lừa" quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

(Dân trí) - Qua kiểm tra, phát hiện hàng loạt thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ lách luật quảng cáo, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người dân không bị mắc lừa, tránh bỏ qua giai đoạn vàng điều trị bệnh.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng KhíKichMen1H vi phạm quy định quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các website vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn.

"Những quảng cáo này sai quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí được Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam, (Địa chỉ: Thôn An Lãng, Xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Bộ Y tế cảnh báo người dân không mắc lừa quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh - 1

Khi phát hiện qua những quảng cáo gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh trên các website này, Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí đang được quảng cáo trên trang vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn như thuốc chữa bệnh không phải do Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí trên các website này.

Với thực phẩm bảo vệ sức khỏe KichMen1H, cơ quan quản lý cũng phát hiện những vi phạm quảng cáo trên website https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên website  https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net có quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe KichMen1H vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam (Địa chỉ: Nhà 40 BT4, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam lên làm việc, tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định  sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe KichMen1H đang quảng cáo trên website https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net không phải do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên các website này.

Trước đó, trên trang website http://www.gankhoesonglau.online có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra gan vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm này được Công ty CP Quốc tế Dream life Việt Nam (địa chỉ: số 109 + 2, Ngõ 167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm và Công ty AHO (Địa chỉ: Ô đất A9- Lô 188 Khu tái định cư X3, Phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) quảng cáo và phân phối sản phẩm.

Trong quá trình làm việc với công ty, Công ty TNHH Thương Mại AHO phủ nhận không thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được quảng cáo trên.

ongnguyenthanhphong.jpg

Ông Nguyễn Thanh Phong cảnh báo người tiêu dùng thận trọng trước những sản phẩm thực phẩm chức năng cố tình quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Ảnh: H.Hải

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí, KichMen1H, Hyra gan trên các trang website/internet nêu trên

Ông Phong thông tin thêm, thực phẩm chức năng trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.

Nhiều đơn vị luôn quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, trong khi đây là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

“Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”, ông Phong cảnh báo.

Hồng Hải