Bộ Y tế Brazil bác bỏ thông tin hoá chất diệt ấu trùng muỗi gây tật đầu nhỏ

(Dân trí) - Trước nỗi sợ hãi về nguy cơ tật đầu nhỏ do hoá chất diệt ấu trùng muỗi đang lan nhanh khắp thế giới, Bộ Y tế Brazil khẳng định chưa có cơ sở khoa học để khẳng định sự liên quan giữa hoá chất và căn bệnh này.

Bộ Y tế Brazil bác bỏ thông tin hoá chất diệt ấu trùng muỗi gây tật đầu nhỏ - 1

Một báo cáo của các bác sĩ Argentina cho thấy hoá chất pyriproxyfen, được dùng để kiểm soát sự sinh sôi của muỗi Aedes aegypti có thể liên quan với sự chậm phát triển của não bộ thai nhi, dẫn tới tật đầu nhỏ.

Tổ chức Physicians in the Crop-Sprayed Towns cho biết hoạt chất này được đưa vào nguồn nước uống trên khắp Brazil từ năm 2014 đến nay. “Ở những nơi có người nhiễm bệnh, hoá chất này đã được đưa vào nước liên tục trong 18 tháng và chất độc này đã gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân do sử dụng nước này”, báo cáo chỉ rõ.

Ngay sau khi báo cáo này được công bố, chính quyền bang Rio Grande do Sul nằm ở phía Nam Brazil đã lập tức đình chỉ việc đưa pyriproxyfen vào nước. “Chúng tôi quyết định ngừng đưa sản phẩm này vào nước uống cho tới khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế”, ông Joao Gabbardo dos Reis, phụ trách vấn đề y tế của bang này cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ liên bang Brazil đã nhanh chóng ra tuyên bố phủ định cáo buộc hoạt chất diệt ấu trùng muỗi liên quan với tật đầu nhỏ. Tuyên bố này nêu rõ chưa có một nghiên cứu khoa học nào về mối liên quan này trong khi nghiên cứu trên 462 trẻ nhỏ cho thấy có 41 trường hợp liên quan với vi rút Zika sau khi xét nghiệm máu, nước ối và nước tiểu.

Bộ này cũng dẫn chứng một số địa phương không đưa pyriproxyfen vào nguồn nước nhưng vẫn có những ca dị tật đầu nhỏ.

Chính phủ nước này khẳng định các địa phương có nguy cơ cao nên tiếp tục sử dụng hoá chất diệt ấu trùng này theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong khi đó tại Mỹ, hiện có 40 ca nhiễm vi rút này ở 17 bang và mới nhất là Hawaii, bang đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về Zika sau khi có 4 trường hợp đi du lịch trở về dương tính với vi rút này.

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua để tạo ra vắc xin và dự kiến sẽ thử nghiệm lâm sàng từ 12-18 tháng.

Nhân Hà

Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm