Bộ Y tế: Bệnh hoại tử xương hàm không phải "bệnh lạ", có thuốc điều trị
(Dân trí) - Nghiên cứu các trường hợp bị hoại tử xương vùng hàm mặt sau mắc Covid-19 và y văn thế giới, Hội đồng chuyên môn nhận định đây không phải bệnh mới, bệnh lạ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân người bệnh bị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19.
Theo đó, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp thành lập Hội đồng chuyên môn. Tại buổi họp vào chiều 18/7, Hội đồng đã nghe các báo cáo về những bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt tại 2 bệnh viện trên, nghiên cứu các tài liệu khoa học trong y văn thế giới.
Hội đồng kết luận hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp, không phải là một bệnh lạ. Bệnh có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)...
24 trường hợp bị hoại tử xương sọ-mặt tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương sọ - mặt và bội nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm. Các bệnh nhân này có tiền sử mắc Covid-19.
Theo Hội đồng, các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19 gồm sưng, đau sọ - mặt kéo dài, rò mủ trong miệng, ngoài mặt, nhiều răng lung lay bất thường, loét niêm mạc, lộ xương. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, các cơ sở y tế cần thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ - mặt.
Về điều trị, cần phối hợp các chuyên khoa liên quan, phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.
"Hoại tử xương vùng hàm mặt không phải là bệnh mới, bệnh lạ vì thế người dân có thể yên tâm. Trước đây, do thiếu thốn về thuốc men, thuốc tốt các bác sĩ gặp nhiều nhưng nay ít hơn", PGS Khuê nhấn mạnh.
Cũng theo PGS Khuê, người dân không nên quá lo lắng vì hiện nay có các phương tiện chẩn đoán bệnh, các bác sĩ giỏi đã làm chủ được kỹ thuật, có thuốc kháng sinh để điều trị. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm bệnh (chụp MRI, chụp CT), điều trị kịp thời.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chỉ trong 2 tháng vừa qua nơi này tiếp nhận 11 bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương, gây hoại tử xương vùng sọ, hoại tử xương hàm trên rất nặng. Trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 bệnh nhân xin về. Ba bệnh nhân may mắn được cứu sống nhưng cũng phải cắt bỏ một phần xương sọ để xử lý hoại tử, nhiễm trùng nặng.
Triệu chứng của bệnh là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ chẩn đoán nhầm.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM xác định tất cả 16 bệnh nhân đều là người lớn, đều từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh 1-3 tháng trước đó. Về triệu chứng, hầu hết bệnh nhân bị lung lay răng và xương hàm trên, có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vùng trần của miệng), hoặc có những vết loét và lộ xương hàm trên.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, nơi này tiếp nhận 3 trường hợp viêm đa xoang - viêm xương hàm trên, 2 trường hợp nấm xâm lấn gây viêm hủy xương hàm trên và đều có bệnh lý nền đái tháo đường. Tất cả bệnh nhân đều điều trị khỏi.
Tại Hà Nội, các bệnh viện như Răng - Hàm - Mặt Trung, Tai - Mũi - Họng Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương vùng hàm mặt sau mắc Covid-19.