1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bọ xít hút máu lại tấn công

Khoảng hơn tháng nay, bọ xít hút máu người đã bất ngờ xuất hiện trở lại sau hơn 4 năm. Nhiều người dân Hà Nội đã quên vụ côn trùng này gây “náo loạn” thủ đô và lơi lỏng đề phòng, trong khi chúng nguy hiểm hơn, đang rình rập dưới chân giường, kẽ tủ.

Độc hơn, hại hơn

 

Ở Hà Nội, vài tuần trở lại đây, nhiều người dân đã tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để cầu cứu khi bị loài bọ xít có thân sọc vàng tấn công. Anh Ngô Văn Hùng (ở Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội) ban đêm nằm ngủ bị chúng đốt 3 vết vào đùi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, các vết đốt đã đỏ tấy, mấy ngày sau đã lan thành quầng. Anh cảm thấy tức ngực, khó thở và phải nhập viện ngay lập tức.

 

Ông Phùng Văn Bình (ở đường Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vốn nghề vá xe đạp, thuê trọ trong căn phòng cấp 4 lụp sụp. Mấy ngày nay, ông đứng ngồi không yên vì bị loài bọ xít lạ bủa vây. Lúc đi ngủ, đã phát hiện một con bọ xít hút máu bò ngay trên đùi. Quay qua quay lại, ông Bình phát hiện một đàn bọ xít này bò ra từ trong bó củi mục sau nhà.

 

Ở Hoài Đức, Hà Nội, một số người dân cũng đã phát hiện thấy bọ xít hút máu người. Mới đây, anh Nguyễn Quốc Huy (ở Vân Côn, Hoài Đức) phát hiện trong nhà mình có 2 con bọ xít có độ dài hơn 2cm, rìa thân có sọc vàng nâu đặc trưng của loài bọ xít hút máu người, khiến gia đình anh và hàng xóm hết sức hoang mang lo ngại.

 

 

Bọ xít hút máu có sọc vàng trên lưng

Bọ xít hút máu có sọc vàng trên lưng

 

Anh Nguyễn Văn Toàn ở Long Biên cũng phát hiện trong nhà mình có loài bọ xít hút máu. “Sáng hôm qua, khi con gái tôi ngủ dậy thì thấy chân trái xuất hiện 3 quầng đỏ không rõ nguyên nhân, tôi vội bế con tới Trung tâm Y tế phường khám. Trưa về nhà thì phát hiện ra có bọ xít. Nghe bác sĩ nói tôi mới biết loài này rất nguy hiểm, tôi vẫn tưởng chúng chỉ như nhiều loài bọ xít khác mà thôi”, anh Toàn hoang mang nói.

 

Trước phản ánh của người dân, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã vào cuộc đánh giá về nguy cơ của loài bọ xít này. PGS.TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm của Viện cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận các cuộc gọi của người dân thông báo về việc họ bị loài bọ xít này đốt. Đến nay, sau nhiều cuộc khảo sát tại các địa bàn dân cư, chúng tôi đã phát hiện có ổ bọ xít hút máu rất lớn ở kho quần áo cũ của một khu dệt may trên đường Trường Chinh (Hà Nội), nhiều gia đình quanh đó đã bị bọ xít hút máu tấn công. Một số điểm nghi ngờ khác ở các vùng ngoại thành như xã Xuân Phương (Từ Liêm), một số xã dọc Đại lộ Thăng Long, khu vực Gia Lâm có số lượng cá thể bọ xít hút máu lên đến 200-300 con/ổ.

 

Theo TS Lam, ổ bọ xít hút máu người ưa thích sinh sống ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn hoặc gỗ mục. Những nơi có nhiều chuột là có thể có nhiều bọ xít hút máu sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, loài côn trùng này trở nên nguy hiểm hơn khi người ta phát hiện ra chúng có mặt cả ở những nơi sạch sẽ, kể cả ở khu chung cư cao cấp cũng đã xuất hiện loại bọ xít này. Trước đây, thời gian sinh trưởng và phát tán loại bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 thì nay xuất hiện từ tháng 5 và có thể kéo dài tới tháng 9.

 

Điều đáng lưu ý là khả năng “đánh hơi” tìm nguồn máu của chúng mạnh mẽ và quyết liệt hơn rất nhiều. Khả năng gần người và thích ứng với người ngày càng ổn định. Trước đây, bọ xít hút máu thường tìm chỗ kín để trốn tránh con người và chúng rất sợ ánh sáng. Nhưng đến nay, việc tìm loài này ở các chuồng gia súc, gia cầm trở nên hiếm hơn, trong khi sự xuất hiện tại các nhà dân là khá phổ biến. Như vậy, tập tính gần người và sử dụng máu người làm thức ăn khiến loài vật này đang trở nên nguy hiểm hơn.

 

Bọ xít hút máu người tấn công thường để lại vết thương sưng to, thậm chí còn gây sốt sau khi bị chúng hút máu. Các vết đốt thường có màu đỏ, rất dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt, đặc biệt là trẻ em. Nguy hiểm là, các vết đốt sưng to, phù nề có thể làm chân tay không cử động được.

 

Chủ động phòng chống

 

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền nhưng việc chúng tấn công con người khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng là nguy cơ hiện hữu. Trước tình trạng bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể đốt người, tốt nhất người dân nên chủ động đề phòng, loại bỏ những nguy cơ bị bọ xít đốt.

 

Trước hết, chúng ta có thể nhận biết loại bọ xít này để phân biệt với các loại bọ xít khác. Dấu hiệu dễ nhận thấy là bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là chúng ta dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm.

 

Trong trường hợp bị bọ xít hút máu người đốt, ta nên lập tức rửa vết đốt bằng xà phòng, tuyệt đối không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm. Đồng thời đưa ngay người bị bọ xít đốt đến cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.

 

 

Vết thương để lại khi bị bọ xít hút máu đốt

Vết thương để lại khi bị bọ xít hút máu đốt

 

Để diệt loại bọ xít hút máu, ngoài việc tìm bắt để đập chết, có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Fendona 10SC, ICON 10 WP (các loại hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroid), phun trong nhà và xung quanh nhà. Ngoài ra nên chú ý đến trứng để diệt tận gốc, bằng cách thu lại cho vào túi và đốt chúng.

 

Tóm lại, để phòng, chống bọ xít hút máu, chúng ta nên chủ động dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là những nơi ít ánh sáng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.

 

Bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Bọ xít hút máu có chiều dài khoảng 1-3,5cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành; phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dướic các đống gỗ ngoài nhà; trứng có kích thước khoảng 1-1,5mm và màu trắng ngà.

 

Theo Hải Hậu

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm