Bộ trưởng Y tế: "Đến viện nào việc đầu tiên tôi cũng kiểm tra nhà vệ sinh"

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi đi kiểm tra bệnh viện, bà luôn có thói quen vào nhà vệ sinh để kiểm tra bởi bà quan niệm, nhà vệ sinh phải sạch. Điều này thể hiện sự chăm sóc nhỏ nhất cho người bệnh. Bà cũng có thói quen ngày rửa tay không dưới 10 lần vì sợ bẩn.

Phát biểu tại hội nghị Câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 7/6 tại Hà Nội, bộ trưởng Tiến một lần nữa yêu cầu các bệnh viện phải thật lưu ý vấn đề nhà vệ sinh và đảm bảo công tác an toàn người bệnh, giảm nguy cơ đi chữa bệnh lại bị nhiễm bệnh.

Bộ trưởng Y tế: Đến viện nào việc đầu tiên tôi cũng kiểm tra nhà vệ sinh - 1

Bộ trưởng Y tế tế trong một lần đi kiểm tra bệnh viện.

Bà Tiến chia sẻ một thói quen, khi đến bất cứ bệnh viện nào kiểm tra, từ bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện đến trạm y tế xã, bao giờ bà cũng vào nhà vệ sinh để kiểm tra.

Theo bà Tiến, nhà vệ sinh sạch thể hiện sự chăm sóc người bệnh từ chi tiết nhỏ nhất. Nhà vệ sinh bệnh viện sạch, chắc chắn phòng ốc, khoa phòng cũng sẽ sạch.

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của bà đánh giá về nhà vệ sinh bệnh viện, đó là nếu nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện đó ở bẩn; còn nhà vệ sinh của khoa bẩn thì trưởng khoa đó ở bẩn”.

Bộ trưởng Tiến cho biết, tỉ lệ hài lòng của người bệnh ngày càng gia tăng. Còn khoảng hơn 20% bệnh nhân không hài lòng tập trung hàng đầu là nhà vệ sinh bệnh viện, thời gian chờ đợi khám bệnh, lấy thuốc, trả tiền còn dài.

Vì thế, bà Tiến yêu cầu gay gắt, những gì cải thiện được cần phải cải thiện, trong đó có nhà vệ sinh bệnh viện.

Hiện nhiều nơi nhà vệ sinh bệnh viện sạch, đẹp như khách sạn 4 sao, có biển hướng dẫn, treo khăn, trang trí cây xanh, xà bông rửa tay đầy đủ… Nhà vệ sinh bệnh viện được chia từ 1 – 5 mức, từ bẩn, hôi đến mức 5 là như “khách sạn 5 sao”, Nhưng mức 1 – 2 vẫn còn đến 18%. Mức 1 là kém nhất với các biểu hiện nền có nước bẩn, mùi hôi. Mức 2 là nhà vệ sinh không có xà bông rửa tay, nền nhà còn ướt. Từ mức 3 trở đi là đạt yêu cầu, với khoảng 80%, còn chỉ một số ít nhà vệ sinh bệnh viện đạt như khách sạn 4 – 5 sao.

Bênh cạnh đó, vấn đề vệ sinh bàn tay cũng được Bộ trưởng nhắc nhở.  Theo khảo sát tại một số bệnh viện lớn cho thấy tỉ lệ nhân viên y tế rửa tay đúng quy trình chiếm khoảng 80%.

Bộ trưởng Tiến cho rằng dù kết quả này đã cao hơn trước đây nhưng tỉ lệ này cần phải tăng hơn nữa vì rửa là rất quan trọng nhằm giảm nguy cơ nhiễm chéo cho người bệnh và bản thân nhân viên y tế.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có khoảng từ 10.000 đến 100.000.000 mầm bệnh hiện diện trên hai bàn tay, đặc biệt là dưới khe của các móng tay. Trong bối cảnh này, một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút thậm chí trong nhiều giờ.

Bộ trưởng Y tế: Đến viện nào việc đầu tiên tôi cũng kiểm tra nhà vệ sinh - 2

Đó là các loại vi rút gây các bệnh cảm nhiễm như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, bệnh herpes, bệnh impétigo (chốc lở) và các bệnh ngộ độc thực phẩm…Vi khuẩn salmonella (gây bệnh thương hàn) cũng có thể lây nhiễm từ hai bàn tay. Mỗi khi bắt tay với nhau là mỗi người có thể sau đó đem truyền sang cho 6 người khác. Mầm bệnh có thể tồn tại trong một thời gian lâu dài trên bàn, trên nắm khóa cửa, bàn cầu. Vì thế, việc vệ sinh bàn tay có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phòng bệnh.

Đặc biệt trong y tế việc vệ sinh bàn tay vô cùng quan trọng, góp phần chống nhiễm khuẩn bệnh viện. 

"Bản thân tôi ngày nào cũng rửa tay khoảng 10 lần vì lúc nào cũng cảm thấy tay bẩn”- Bộ trưởng chia sẻ.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi “Vì sự sống hãy vệ sinh tay” và đưa ra 5 thời điểm phải vệ sinh tay của nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân, gồm: Trước khi tiếp xúc bệnh nhân; Trước khi làm thủ thuật vô trùng’ Sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của người bệnh; Sau ki tiếp xúc bệnh nhân; Sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân.
 
Hồng Hải