Bộ trưởng Y tế đến điểm nóng "bệnh lạ" Quảng Ngãi

(Dân trí) - Chiều ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến “thị sát” ở huyện Ba Tơ và làm việc với lãnh đạo Quảng Ngãi về bệnh viêm da lạ sừng lòng bàn tay, bàn chân gây tử vong 19 người.

Bộ trưởng Y tế đến điểm nóng 'bệnh lạ' Quảng Ngãi
Bộ trưởng Y tế thăm hỏi các triệu chứng bệnh của người dân

 

Tại buổi làm việc, Sở Y tế báo cáo tình hình mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ. Bệnh xuất hiện từ ngày 19/4/2011, tính đến hết ngày 25/4/2012, tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận có 176 trường hợp mắc bệnh (trong đó xã Ba Điền có 166 trường hợp thuộc 86 hộ gia đình, xã ba Ngạc 6 ca, Ba Xa 2 ca, Ba Vinh 1 ca và Ba Tô 1 ca). Riêng trong năm 2012, bệnh “da lạ” ghi nhận 76 trường hợp.

 

Hiện nay, số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 29 trường hợp, trong đó Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quy Hòa (28 trường hợp và có 1 ca bệnh nặng là Phạm Thị Tiến), Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (10 trường hợp, trong đó có 1 ca bệnh nặng nhưng bệnh nhân không chịu chuyển lên tuyến trên là chị Phạm Thị Triêu).

 

Qua kết quả khám sàng lọc trên tổng số 640 ca thì có 16 bệnh nhân có biểu hiện viêm da bàn tay, bàn chân nghi do nhiễm độc và 46 ca đã có tiền sử bị bệnh. Ngành y tế Quảng Ngãi cũng đã thực hiện siêu âm ở 262 người bệnh, kết quả có 37 người có biểu hiện nhu mô gan tăng, giảm âm.

 

Lấy máu xét nghiệm 497 trường hợp, kết quả cho thấy có 89 bệnh nhân có men gan tăng cao và 53 ca với men gan tăng vừa.

 

Theo thống kê của huyện Ba Tơ, tại xã Ba Điền có 9 hộ gia đình bỏ làng đi nơi khác, 89/165 học sinh bỏ học, 5/75 trẻ em học mẫu giáo đến trường. Ngoài ra, một số học sinh đến địa phương khác học nhờ nhưng không được tiếp nhận do sợ lây nhiễm mầm bệnh.

 

Cho đến nay, đoàn công tác Bộ Y tế đã về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ tiến hành khảo sát, khám sàng lọc, lấy mẫu máu xét nghiệm, kiểm tra nguồn nước sinh hoạt với 2 đợt. Tuy nhiên, việc truy tìm nguyên nhân gây mầm bệnh "da lạ" gây sừng lòng bàn tay, bàn chân vẫn chưa có kết quả.

 

PGS.TS.Phan Trọng Lân - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TW nhận định: "Chúng tôi phát hiện nguyên nhân gây bệnh nghi do loại gạo ăn ủ, mốc theo tập tục của người dân (gọi là gạo không trắng), gây nhiễm độc dẫn đến rụng tóc, men gan tăng. Qua nghiên cứu, khảo sát trong thời gian qua, chúng tôi nghi nguyên nhân do nhiễm độc".

 

Với những nghi ngờ các nguyên nhân khác, PGS.TS.Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TW cho biết: “Các loại chất như Acral Erythema, Necrolytic Acral Erythema, asen,... chúng tôi đều loại bỏ khả năng gây bệnh trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và sàng lọc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không tìm thấy các loại ký sinh trùng, vi rút, vi khuẩn, nấm gây nguyên nhân”.

 

Ông Khang cũng đưa ra một giả thuyết khác về loại quả sả rừng (dùng làm thức ăn thường xuyên trong sinh hoạt của người dân), gạo ăn bị mốc và chất độc từ môi trường.

 

 

Bộ trưởng Y tế đến điểm nóng 'bệnh lạ' Quảng Ngãi
 Khám các biểu hiện của "bệnh lạ"

Bức xúc trước tình hình dịch bệnh gây tử vong 19 người, ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ giải bày: “Về loại quả sả rừng thì tôi vẫn ăn bình thường, nó thay thế cho loại củ xả dùng nấu ăn hàng ngày. Đối với loại gạo mốc, đây là tập tục lâu đời của bà con, họ không phơi gạo mà bỏ vào trong lu, bao để dành mà sử dụng nên đây cũng không phải là điều đáng lo ngại. Bây giờ chúng tôi như ngồi trên đống lửa, không biết đến bao giờ mới tìm ra nguyên nhân và trị dứt điểm loại bệnh viêm da này”.

“Ngành y tế Quảng Ngãi đã ‘bó tay’, chỉ biết tung hóa chất, điều trị cơ bản ban đầu để hạn chế bệnh lây lan. Nếu chưa tìm ra kết quả cuối cùng ngày nào thì lòng dân càng hoang man ngày đó. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ địa phương có phương tiện theo dõi, điều trị thuận lợi, chúng tôi kính mong Bộ trưởng cho ngành y tế Quảng Ngãi một xe cứu thương, máy lọc máu, thuốc chống độc và các thiết bị liên quan khác”, ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi đề nghị.

Phát biểu kết luận chuyến “thị sát” ở tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại "hứa" về kết quả tìm ra nguyên nhân: "Buổi làm việc hôm nay chỉ để thu thập các chứng cứ, nguyên nhân ảnh hưởng, hiện Bộ vẫn chưa xác định rõ căn nguyên gây mầm bệnh. Theo suy đoán ban đầu, Bộ nghi do nhiễm độc từ môi trường, gạo ăn, bọ chét, côn trùng đốt độc hại nên phải chờ kết quả xét nghiệm trong thời gian tới".

Ngoài ra, Bộ Y tế đồng ý với đề xuất trang bị xe cứu thương, máy lọc máu, thuốc khử trùng và các thiết bị cần thiết khác. Nhằm giải quyết tình thế trước mắt, Bộ y tế đề nghị địa phương hỗ trợ gạo cho người dân thông qua các nguồn vận động từ xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: "Các Cục, Vụ, Viện trong đoàn công tác sớm đưa ra phác đồ điều trị, để địa phương chủ động điều trị cho người dân. Hạn chế tối đa ca bệnh tử vong".

Để giải tải cho Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quy Hoa (Bình Định), Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới chuyển các bệnh nhân mắc bệnh viêm da đến Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi và Bệnh viện Quân Y C17 - Đà Nẵng nếu ca bệnh nặng.

Theo dự kiến, khoảng 10 ngày tới, Bộ Y tế mới có thể tìm hiểu rõ nguyên nhân gây mầm bệnh viêm da sừng lòng bàn tay, bàn chân.

Hồng Long