1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Y tế: "Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng sủa"

Nam Phương

(Dân trí) - Việt Nam đã kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 thành công, dù vây Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng "chặng đường phía trước vẫn còn hết sức cam go".

Phát biểu khai mạc tại hội nghị y tế toàn quốc diễn ra tại Hà Nội sáng 6/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế một lần nữa nhấn mạnh đến đại dịch Covid-19. Hơn một năm qua, Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch Covid-19 thành công. Thành quả này là sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự phối hợp liên ngành, phối hợp chặt chẽ trung ương-địa phương. Quan điểm "chống dịch như chống giặc", coi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị và càng phát huy hơn. 

Theo Bộ trưởng, trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Y tế: Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng sủa - 1

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Trần Minh. 

"Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào một trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh. Có những câu chuyện cán bộ y tế khi tạm biệt có nói với gia đình rằng ngày hôm nay đi có thể trở về vinh quang nhưng cũng có thể không trở về vì khi bị bệnh nằm tại bệnh viện có thể có tỷ lệ tử vong xảy ra. Đó là những tấm gương hết sức trân quý", Bộ trưởng nói.

Nhắc đến sự hỗ trợ hết sức to lớn của lực lượng cắm chốt biên giới, Bộ trưởng Long cho biết từ Tết Canh tý đến nay, cả nước duy trì 1600 điểm chốt ở vùng biên, với gần 10000 chiến sĩ cắm chốt. Có những chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà.

Bộ trưởng Y tế cũng điểm qua những điểm sáng trong lĩnh vực truyền thông, khoa học công nghệ. 20 tỷ tin nhắn được các nhà mạng gửi đến người dân trong thời gian ngắn là một kỷ lục. Nhờ đó người dân Việt Nam đồng lòng, ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước đầu tiên giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2, 1 trong 5 nước sản xuất sinh phẩm kháng thể, 1 trong số ít nước trong khu vực sản xuất vắc xin phòng Covid-19, chủ động sản xuất máy thở… 

Bộ trưởng cũng thừa nhận: "Chặng đường trước mắt hết sức cam go với mục tiêu là bảo vệ cho nhân dân trước mắt là Tết an lành. Làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là điều mong mỏi của ngành y tế". 

Vì thế, Bộ trưởng kêu gọi ngành y tế coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. 

"Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch covid-19 chưa có gì sáng sủa, vẫn nặng nề", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Y tế: Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng sủa - 2

Thời gian qua Việt Nam đã kiểm soát và khống chế thành công dịch Covid-19. 

Năm 2020 cũng là một năm cải cách mạnh mẽ trong ngành y tế, lĩnh vực khám chữa bệnh, dự phòng, dân số… cũng nhiều điểm nhấn như khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xã trong thời gian ngắn thành tựu trong ghép tạng, ghép ruột, ghép tay-chân; kiểm soát được nhiều dịch bệnh khác như bạch hầu; duy trì mức sinh thay thế 14 năm qua... 

Kế hoạch năm 2021, ngành y tế dự kiến trình sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và luật Khám chữa bệnh, lập quy hoạch tổng thể (tất cả hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực…), tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm tới… 

Bộ trưởng cũng kiến nghị tăng đầu tư cho y tế, tập trung vào y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng huy động từ xã hội với các hình phù hợp như thuê toàn bộ dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm nhân lực, thời gian của cán bộ y tế dành cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính. Đồng thời cũng cần có đổi mới tài chính, không giao dự toán quỹ bảo hiểm y tế để chuyển sang hình thức phù hợp. 

Bộ Y tế cũng kiến nghị cần giải quyết dứt điểm nợ đọng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2017 trở lại đây, có chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo chuyên khoa và vùng khó khăn vì "khó thu hút nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này".