Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiến tới cần có biện pháp bắt buộc tiêm chủng

(Dân trí) - Chia sẻ quan điểm về việc nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ khuyến khích mà có biện pháp “cứng rắn” để tăng tỉ lệ tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cũng cần triển khai những biện pháp như các nước.

Bên lề Lễ Mit ting hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có trao đổi với báo giới xung quanh việc triển khai nhiều biện pháp để tăng tỉ lệ tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải

Thưa Bộ trưởng, không riêng gì tại Việt Nam mà hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng dịch bệnh quay trở lại (như dịch sởi ở Mỹ) cũng liên quan đến việc các bà mẹ bỏ tiêm vắc xin cho trẻ. Vậy phải làm thế nào để các mẹ hiểu quyền lợi của tiêm chủng, cho trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm?

Trước hết, để người mẹ hiểu quyền lợi, ý nghĩa của việc tiêm chủng, tôi cho rằng vấn đề tuyên truyền là hết sức cần thiết. 

Hiệu quả của vắc xin phòng bệnh là rất rõ, giảm nguy cơ tử vong cho hàng triệu trẻ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ có vắc xin Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…đã giảm.

Còn không tiêm vắc xin, hậu quả thấy rất rõ. Ngay như tại Việt Nam diễn ra vụ dịch sởi năm 2014, hay ho gà diễn ra đầu năm 2015. Qua phân tích, phần lớn trẻ mắc bệnh là do chưa tiêm phòng dù đã qua lịch tiêm.

Thưa bà, tâm lý chung của các bà mẹ ngại đưa con đi tiêm chủng vì chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng vắc xin, lo ngại những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với trẻ. Vậy ngành y tế sẽ làm thế nào để tăng niềm tin của các bà mẹ vào chất lượng tiêm chủng?.

Trước hết phải khẳng định lại, vắc xin là để phòng bệnh tuy nhiên không vắc xin nào an toàn tuyệt đối. Cng giống như thuốc khi vào cơ thể có thể sẽ có những phản ứng không mong đợi tùy thuộc vào cơ địa trẻ. 

Các phản ứng thông thường nhất là sưng đau tại chỗ sau tiêm, sốt nhẹ, trẻ khó chịu… nhưng thường tự hết sau 1 - 2 ngày tiêm vắc xin. Còn phản ứng nghiêm trọng như sốc rất ít xảy ra. Cân nhắc giữa lợi ích phòng bệnh lâu dài cho bản thân trẻ, cho cộng đồng, không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới đều khuyến khích trẻ đi tiêm vắc xin.

Trong những năm qua ngành y tế đã có những cố gắng không ngừng để tăng cường chất lượng của tiêm chủng. Còn về vắc xin, cả vắc xin trong TCMR hay tiêm dịch vụ đều là những vắc xin an toàn, trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm định.

Và mới đây nhất, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam đã được WHO công nhận đáp ứng yêu cầu, với sự đánh giá rất cao của cơ quan này. Nhờ đó, vắc xin của Việt Nam được quốc tế công nhận chất lượng, có thể xuất khẩu đi các nước. Vì thế, các bà mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng vắc xin, về hệ thống giám sát phản ứng, hệ thống tăng cường giám sát an toàn trong tiêm chủng...ngành y tế triển khai rất chặt chẽ.

Thưa bà, ở nhiều nước trên thế giới, việc tiêm chủng vắc xin là bắt buộc, thậm chí Chính phủ còn có nhiều biện pháp cứng rắn để buộc bố mẹ cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Ở Việt Nam, quy định về tiêm chủng với trẻ em là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải
Bà Tiến thăm hỏi một bé trai được tiêm phòng vắc xin Quinvaxem sáng 24/4 tại Trạm Y tế xã Song Mai, TP Bắc Giang. 

Tại Việt Nam, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định: “Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc TCMR”. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động là chính. Các biện pháp xử phạt khi không tuân thủ tiêm chủng như cắt giảm các chính sách về an sinh xã hội, phạt tiền... như các nước chúng ta chưa triển khai.

Nhưng tôi cho rằng, để phát triển tiêm chủng bền vững, ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ khi tiêm chủng, về hiệu quả phòng bệnh nguy hiểm của vắc xin, tăng cường đầu tư mở rộng thêm nhiều loại vắc xin mới phòng bệnh, tăng cường giám sát, kiểm tra để người dân tin tưởng vào hệ thống tiên chủng... thì trong tương lai cũng cần đề ra các chính sách cụ thể để các bố mẹ bắt buộc phải đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh, vừa bảo vệ sức khỏe trẻ, vừa bảo vệ cộng đồng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Mỹ, Úc đẩy mạnh truyền thông về tiêm chủng 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đầu năm 2015, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã phát biểu khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho con mình tiêm chủng phòng sởi. Ông đã phát biểu: “Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin. Tôi hiểu rằng có những gia đình, trong một số trường hợp, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin. Nhưng khoa học chứng minh hiệu quả của vắc xin là điều không thể chối cãi. 

Chúng ta cứ nhìn lại mà xem, có mọi lý do để tiêm phòng vắc xin, nhưng không có bất cứ lý do nào để từ chối. Tiêm phòng tốt cho trẻ em. Sẽ trở thành vấn đề thách thức nếu bạn có đông con mà không đưa chúng tiêm chủng, và nhóm trẻ này đủ để tạo nên số phần trăm dân số không được tiêm phòng… rồi bỗng chốc họ trở thành nhóm dễ tấn công nhất của dịch bệnh”.

Còn tại Úc, lo ngại trước số lượng trẻ không được tiêm chủng tiếp tục tăng cao, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Úc, Tony Abbott đã công bố chính sách “Không tiêm chủng, không trả tiền” đối với những gia đình không tiêm chủng cho con họ.

Theo đó, các hộ gia đình ở nước này sẽ bị cắt nguồn trợ cấp hàng ngàn đô Úc cho dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng như phúc lợi xã hội nếu không cho con cái đi tiêm phòng. Chính sách này được áp dụng từ tháng 1/2016, nếu cha mẹ không đưa trẻ trong độ tuổi quy định đi tiêm chủng đầy đủ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt), Chính phủ sẽ không chi trả các khoản tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giảm thuế thu nhập cuối năm cho họ, số tiền này có thể lên tới 15.000 đô la Úc/năm.

Hồng Hải (ghi)