Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: "Người dân không nên quay lưng với thịt lợn"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Một con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Kạn cũng được phát hiện, lợn nhiễm bệnh đều được tiêu hủy. Đặc biệt, bệnh này không lây sang người nên người dân không nên quay lưng lại với thịt lợn an toàn đang bán trên thị trường".
Theo Cục Thú y, từ ngày 1/2-14/3/2019 (cập nhật đến 9h), dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.
Trước tình hình DTLCP lây lan nhanh tại các địa phương, nhiều người dân bày tỏ lo ngại và đang có xu hướng "quay lưng" lại với sản phẩm thịt lợn.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Một con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Kạn cũng được phát hiện, lợn nhiễm bệnh đều được tiêu hủy. Đặc biệt, bệnh này không lây sang người nên người dân không nên quay lưng lại với thịt lợn an toàn đang bán trên thị trường".
Ông Cường cho biết thêm, xu hướng thời gian tới DTLCP tiếp tục lây lan nhanh nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát tốt. Diễn biến thời tiết tại miền Bắc hiện nay xuất hiện mưa phùn, gió mùa Đông Bắc càng thuận lợi cho chủng vi rút DTLCP phát triển.
Về giải pháp, ông Cường cho biết thêm, Bộ sẽ đề nghị các địa phương phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và căn cứ theo tình hình cụ thể ở các địa phương để triển khai cho phù hợp.
“Xử lý môi trường từ hộ chăn nuôi lợn ra môi trường bên ngoài rộng hơn bằng cách phun vôi bột, có làm tốt môi trường sinh học thì sẽ phòng ngừa được dịch bệnh; xử lý thức ăn an toàn khi có lợn ăn; xử lý an toàn sinh học ngay từ người chăn nuôi tránh đi vào nơi có dịch để từ đó lây lan dịch bệnh; kiểm soát tốt vấn đề vận chuyển lợn từ địa phương này đến địa phương khác;…” – ông Cường nói.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Cường, các đơn vị chuyên môn cần xây dựng kế hoạch để họp bàn với các Bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp phòng, chống với DTLCP một cách bền vừng. Hiện nay, thế giới chưa có vắc xin phòng ngừa DTLCP, Việt Nam phải cố gắng nghiên cứu. Cục Thú y cần nghiên cứu thật kỹ nguyên nhân, đường lây truyền của DTLCP.
Ngoài ra, cơ quan chuyên môn, lãnh đạo các tỉnh tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP ở địa phương mình.
Ông Phạm Xuân Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bệnh DTLCP chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện DTLCP ở các trang trại chăn nuôi lớn (đàn lớn nhất là 587 con lợn đã buộc phải tiêu hủy tại TP Hải Phòng). Nguy cơ DTLCP lây lan sang các địa phương khác thời gian tới vẫn còn cao.
DTLCP lây lan qua việc mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết chiếm 36%; DTLCP lây lan do con người, phương tiện thiếu hoặc không áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học chiếm 25%; DTLCP lây lan do sử dụng thức ăn thừa (từ các nhà hàng, khách sạn, thức ăn tại khu công nghiệp,...) chiếm 39%.
Nguyễn Dương