1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Cần nhìn xa trông rộng

Chúng ta luôn mong muốn con mình phát triển cân đối và khỏe mạnh. Nhưng làm thế nào để trẻ phát triển tối ưu thì nhiều bậc phụ huynh còn khá lúng túng.

Điều này thể hiện rõ trong việc bổ sung nguồn dinh dưỡng, đặc biệt là nguồn dinh dưỡng từ sữa trong các các giai đoạn phát triển. Hầu như các bậc cha mẹ thấy con mình thiếu gì thì bổ sung đó, rồi chạy theo những lời quảng cáo mà bỏ quên những yếu tố tác động đến sự phát triển lâu dài

Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Cần nhìn xa trông rộng - 1


Những nguy hiểm bắt nguồn từ tâm lý

Trước tiên, chúng ta hay mong muốn con em chúng ta cao to và bụ bẫm. Chúng ta bị mặc cảm về hình dạng thấp bé của người Việt nam trong một quãng thời gian dài, do đó khi có cơ hội, chúng ta mong muốn cải thiện hình ảnh này thật nhanh. Cân nặng và chiều cao là những giá trị phát triển thể chất dễ quan sát nhất, nhưng chưa đánh giá hết sự phát triển về trí tuệ, miễn dịch và những yếu tố khác trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Có khi chúng ta đã quá đà trong việc thúc trẻ tăng trường về mặt thể chất và làm cho trẻ béo phì, gây ra những hậu quả lâu dài không tốt cho sức khỏe.

Các khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ trẻ em Việt nam thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng, nhất là ở những thành phố lớn. Ở những quận trung tâm của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở các trường điểm, với đối tượng học sinh là những trẻ có điều kiện kinh tế khá, ít thời gian vận động, chỉ chú trọng học tập, tỉ lệ béo phì đang ở mức báo động. Năm 2004, qua khảo sát 1 trường tiểu học tại quận 3 cho thấy có đến 47,6% học sinh bị thừa cân béo phì, trong đó béo phì chiếm 25,9% và dư cân 21,7%.

Trẻ béo phì ngoài những mặc cảm về tâm lý, ngại vận động, ngại giao tiếp, học hành chậm chạp, hay mệt mỏi, có nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, đau khớp, sẽ có nguy cơ lùn hơn các bạn vì sẽ dậy thì sớm hơn, do đó ngưng tăng trưởng sớm hơn. Trẻ béo phì cũng có sức đề kháng kém nên dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.

Đặc biệt hơn, khi trẻ ăn nhiều phấn đấu để giảm cân còn khó hơn là tăng cân và chúng ta cũng sẽ không thấy dễ chịu tí nào khi mình ăn cơm và con mình ngồi  bên cạnh (béo tròn) luôn xin thêm chút nữa, một chút nữa? 

Cần bổ sung dinh dưỡng ngay từ đầu

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nuôi trẻ trong 3 năm đầu (đặc biệt là dưới 1 tuổi) gặp rất nhiều khó khăn, do các con còn nhỏ, sức yếu. Hệ thống miễn dịch đã có nhưng chưa hoàn thiện nên trẻ hay mắc các bệnh của đường hô hấp và tiêu hóa... Nếu trẻ bị ốm nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Điều đó đòi hỏi các bà mẹ cần cần lưu ý trong việc lựa chọn nguồn dinh dưỡng hàng ngày, đặc biệt là nguồn dinh dưỡng từ sữa để giúp cho trẻ phát triển toàn diện và cân đối về thể chất, tinh thần, trí tuệ cũng như miễn dịch chống bệnh…chứ không nên phiến diện khi chăm sóc trẻ. Cần nắm rõ các thời điểm để can thiệp tốt nhất cho trẻ.

Về thể chất, trẻ có 2 giai đoạn phát triển vượt bậc: giai đoạn 0-5 tuổi (chịu tác động chủ yếu của chế độ dinh dưỡng), và giai đoạn tiền dậy thì (chịu tác động chính của hormone và đồng thời chế độ dinh dưỡng). Nên duy trì cân nặng và chiều cao ở mức cân đối, tránh bị suy dinh dưỡng cũng như béo phì. Cần lưu ý cung cấp đầy đủ những chất hỗ trợ cho sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể như trí não, tiêu hóa, xương khớp…Nhiều trẻ có cân nặng và chiều cao tốt nhưng vẫn thiếu một số chất như sắt, kẽm, vi lượng, chất xơ, một số acid amin…

Về tâm thần vận động, 3 năm đầu tiên có vai trò quyết định sự phát triển của hệ thần kinh. Lúc trẻ 3 tuổi, não nặng gấp 3 lần lúc sinh và đạt trên 80% não của người trưởng thành. Khi trẻ 6 tuổi, não trẻ đã bằng não của người lớn. Do đó, những dưỡng chất cần cho phát triển của não và hệ thần kinh nên được cung cấp từ rất sớm, ngay từ giai đoạn bào thai, ví dụ DHA, ARA, phospholipids, cholin, acid béo thiết yếu, cholesterol, sắt, iod, vi lượng... Có những nghiên cứu cho thấy sử dụng DHA có hiệu quả nhiều nhất trong thai kỳ và 6 tháng đầu tiên. Việc cung cấp dinh dưỡng nên đi đôi với việc tập luyện các phản xạ thần kinh, rèn luyện khả năng tư duy và khả năng tập trung của trẻ.

Trong 6 tháng đầu tiên, trẻ được bảo vệ nhờ lượng kháng thể IgG mẹ cho qua nhau thai, đồng thời trong sữa mẹ có chứa nhiều chất chống bệnh như lactoferrin, lysozyme, IgA. Sau đó trẻ dễ bị bệnh hơn do miễn dịch của bản thân chưa hoàn chỉnh. Các kháng thể chống lại kháng nguyên polysaccharide của vi trùng chỉ tốt khi trẻ được 2-3 tuổi, trong khi những kháng thể chống bệnh IgM và IgG chỉ bằng nồng độ của người lớn khi trẻ 4-6 tuổi, những miễn dịch khác như tuyến ức, hệ võng nội mô… còn hoàn thiện cho đến tuổi dây thì. Do đó, dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển và hoàn thiện miễn dịch của cơ thể. Nếu trẻ suy dinh dưỡng, khả năng chống bệnh sẽ kém. Những chất có vai trò điều hòa hay hỗ trợ phát triển miễn dịch là các acid béo thiết yếu, DHA, ARA, một số acid béo chuỗi ngắn, một số acid amin, nucleotide, folate, sắt, kẽm, vitamin ADE, vitamin BC, chất xơ…

Như vậy, chúng ta cần có những hiểu biết đúng về sự phát triển của trẻ, về nguồn dinh dưỡng bổ sung để có những biện pháp hỗ trợ cả về dinh dưỡng và tập luyện, sinh hoạt …đúng mức, đúng lúc để con em chúng ta trở thành những con người khỏe mạnh, thông minh, phát huy tối đa tiềm năng di truyền của cơ thể.