Bỏ ngỏ chất lượng xét nghiệm!
“Có phòng xét nghiệm sử dụng hóa chất, thuốc thử kém chất lượng. Có nơi trang thiết bị xét nghiệm mua về không đảm bảo chất lượng, không đúng yêu cầu nên không sử dụng được”.
Ông David Browning , chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã thốt lên “ngạc nhiên” như vậy tại hội nghị tổng kết đợt khảo sát thực trạng xét nghiệm ở TPHCM, chiều 24/7.
Ông David Browning cho biết đoàn khảo sát của WHO và Sở Y tế TPHCM đã khảo sát thực trạng xét nghiệm (từ ngày 9 - 20/7) ở 30 bệnh viện, phòng xét nghiệm của Nhà nước và tư nhân trên địa bàn TP. Ông nói: “Có những nhân viên mang cả găng tay từ phòng xét nghiệm đi... ra phố. Như vậy họ có thể mang mầm bệnh từ phòng xét nghiệm lây cho người khác. Có phòng xét nghiệm lấy mẫu xét nghiệm vi trùng lao nhưng làm trong môi trường mở. Việc này vô cùng nguy hiểm nhưng nhân viên phân tích không quan tâm”.
Xét nghiệm bằng... tay
Dược sĩ Trần Hữu Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TPHCM, cho biết việc quan tâm đến công tác đảm bảo chất lượng trong xét nghiệm ở các BV chưa đúng mức: không có phòng xét nghiệm nào thực hiện nội kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm; có đến 76% phòng xét nghiệm không thực hiện ngoại kiểm tra chất lượng, 24% có tham gia ngoại kiểm tra nhưng cũng chỉ tham gia những xét nghiệm sinh hóa đơn giản;
59% không có qui trình thao tác chuẩn trong xét nghiệm; 40% không có qui trình xử lý sau xét nghiệm nếu có xảy ra khiếu nại... Đầu tư cho xét nghiệm vi sinh rất thấp, phần lớn xét nghiệm vi sinh còn thực hiện bằng... tay. |
Ông David Browning nói rất ngạc nhiên khi thấy không ít phòng xét nghiệm ghi chép, nhập số liệu xét nghiệm sai, dẫn đến kết quả phân tích, đánh giá sai. Phân tích kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm cũng có sự khác xa. Khi kết quả xét nghiệm phân tích sai, chắc chắn bác sĩ không thể đưa ra phác đồ điều trị chính xác cho bệnh nhân.
“Tôi không hiểu vì sao có sự đầu tư quá thấp cho vấn đề xét nghiệm vi sinh. Ở một BV có đến 1.000 giường bệnh nhưng chỉ xét nghiệm 20 mẫu vi sinh một ngày. Điều này cho thấy không có sự giám sát, điều tra về nhiễm khuẩn trong BV. Có trường hợp bác sĩ cho toa điều trị trước khi có kết quả xét nghiệm vi sinh. Điều này rất nguy hiểm vì đó là nguyên nhân gây ra kháng thuốc của các vi khuẩn”, ông David nói.
Từ thực tế này, ông David đề nghị Sở Y tế phải nâng cấp công tác tổ chức, quản lý và đào tạo, trang bị kiến thức cho nhân viên phòng xét nghiệm. Bởi một số giám đốc BV còn xem nhẹ việc kiểm tra chất lượng xét nghiệm.
Ông hỏi thẳng Sở Y tế vì sao hai BV ở gần nhau mà lại mua sắm trùng lắp nhau về thiết bị xét nghiệm? Có cần thiết đầu tư xét nghiệm ở quận huyện không khi ở gần đó đã có những cơ sở, trung tâm xét nghiệm rồi?
Nhiễm vi khuẩn khủng khiếp
“Không ai dại gì đầu tư lớn, tốn kém cho xét nghiệm vi sinh khi mỗi ngày phòng xét nghiệm chỉ làm mười mẫu xét nghiệm vi sinh...”, bác sĩ Thịnh, BV đa khoa Hoàn Mỹ, lý giải vì sao xét nghiệm vi sinh không được quan tâm đầu tư ở nhiều BV.
Ông cho rằng thực hiện xét nghiệm vi sinh nhiều hay ít còn tùy thuộc... bác sĩ điều trị có chỉ định làm hay không. Bác sĩ Ngọc Lan - BV Phạm Ngọc Thạch - cho biết thực tế vừa qua tại các BV muốn mua hóa chất, thuốc thử tốt cũng không được vì bị “đụng” giá trần của qui chế đấu thầu thuốc. Hàng giá cao quá thì không được duyệt, còn giá thấp được duyệt lại có chất lượng không đảm bảo. Việc kiểm tra chất lượng tất cả các xét nghiệm cũng khó thực hiện được vì thiếu nhân lực và kinh phí.
Ở BV công “kẹt” qui định đấu thầu thuốc nên phải mua hóa chất rẻ tiền, còn ở BV tư nhân lại không bị ràng buộc, kiểm soát nên có thể sẽ có tình trạng mua hóa chất và thiết bị trôi nổi kém chất lượng, giá rẻ. PGS Lê Quang Nghĩa, Phó giám đốc BV Bình Dân - cho rằng không coi trọng xét nghiệm vi sinh là lỗi của các bác sĩ lâm sàng. Đặc biệt, khi xét nghiệm vi sinh không phát triển thì nhiễm trùng trong BV sẽ còn xảy ra và không bao giờ bệnh nhân tránh được nhiễm những loại vi khuẩn rất khủng khiếp ở trong BV.
Bác sĩ Hoàng Lan, Trung tâm Y tế dự phòng TP, nói: “Thực tế các bác sĩ xét nghiệm được đào tạo, biết hết các qui định nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên cứ để buông trôi chất lượng xét nghiệm”. Bác sĩ Hoàng Lan cũng lưu ý hiện nay nhiều BV vì thiếu kinh phí nên đã áp dụng cách “đặt máy”. Khi lệ thuộc máy của các công ty đặt thì cũng lệ thuộc luôn hóa chất xét nghiệm. Có nơi đặt máy rất nhiều nhưng chất lượng máy móc, kết quả xét nghiệm thế nào thì không biết và không ai kiểm tra. Chưa kể hiện nay không ít đơn vị coi xét nghiệm là nguồn thu đem lại lợi nhuận cho BV. Trong khi thực tế nếu làm xét nghiệm đúng nghĩa thì khó có thể có lợi nhuận.
“Giăng mắc” xét nghiệm
TS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - thừa nhận hệ thống xét nghiệm ở TP đang giăng mắc và trải khắp nơi với đủ loại lớn nhỏ, chất lượng cao thấp... khác nhau. Sở Y tế sẽ tập trung cải thiện chất lượng những loại xét nghiệm trực tiếp gây nguy hại cho nhân viên trong phòng xét nghiệm hoặc có thể thoát ra ngoài gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Theo ông Giang, nhiều nước trên thế giới chỉ đầu tư các trung tâm xét nghiệm theo từng cụm, từng khu vực, không có chuyện mỗi BV có một phòng xét nghiệm như ở VN.
Tuy nhiên, theo ông Giang, ai cũng thấy thành lập các trung tâm xét nghiệm lớn, trang thiết bị hiện đại là cần thiết và phù hợp để có giá thành rẻ và chất lượng xét nghiệm tốt hơn, nhưng khi đi vào thực hiện thì không BV nào muốn dẹp, sáp nhập phòng xét nghiệm của mình với BV khác.
Về việc xét nghiệm vi sinh kém phát triển, ông Giang cho rằng sở cũng đã thấy và đây là lỗi “hệ thống”, sắp tới Sở Y tế sẽ có biện pháp giải quyết. Sau khi sở có những qui định cụ thể về chấn chỉnh chất lượng xét nghiệm, sở sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất. Nếu đơn vị nào không thay đổi, chấn chỉnh chất lượng xét nghiệm, sở sẽ công khai danh tánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi trẻ