Bộ não sẽ tự “rửa sạch” các chất độc khi chúng ta ngủ theo đúng nghĩa đen

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khi chúng ta đi ngủ, bộ não sẽ tiết ra một loại nước “dọn rửa” chảy khắp não bộ và loại bỏ các độc tố phát sinh trong ngày, vốn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh thoái hóa thần kinh, điển hình là Alzheimer.

Trong lúc ngủ, chúng ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau như: Giấc ngủ nông, giấc ngủ sâu hoặc giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Nhà khoa học Laura Lewis và các cộng sự của mình đến từ trường Đại học Boston đã tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về những gì xảy ra với não bộ, trong giai đoạn ngủ không có chuyển động mắt nhanh (non-REM), thường nằm trong thời gian đầu khi chúng ta vừa chợp mắt.

Bộ não sẽ tự “rửa sạch” các chất độc khi chúng ta ngủ theo đúng nghĩa đen - 1

Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu đã bố trí để các tình nguyện viên ngủ trong một cỗ máy chụp cộng hưởng từ, nhằm theo dõi tức thời những quá trình diễn ra trong bộ não. Thí nghiệm nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, việc để các tình nguyện viên có thể ngủ được trong một cỗ máy cộng hưởng từ là điều không hề dễ dàng.

Theo kết quả ghi nhận được, ngay khi cơ thể vừa chuyển sang trạng thái ngủ sâu, bộ não sẽ kích hoạt một loại chất lỏng, đóng vai trò dọn rửa các loại độc tố xuất hiện trong trung ương thần kinh, từ đó bảo vệ bộ não khỏi những căn bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh, điển hình là Alzheimer.

Bộ não sẽ tự “rửa sạch” các chất độc khi chúng ta ngủ theo đúng nghĩa đen - 2

Nhóm của Laura Lewis cho rằng, thứ chất lỏng này chính là Dịch não tủy (CSF), đây là một chất dịch trong suốt, được tìm thấy trong não và tủy sống.

CSF được tạo ra bởi các tế bào biểu mô chuyên biệt trong các đám rối màng đệm của não thất. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta tạo ra khoảng 500ml CSF. Trước nghiên cứu này, CSF đã được biết tới với chức năng như tấm đệm cho não bộ, giúp bảo vệ cơ học và miễn dịch cơ bản cho trung ương thần kinh. Ngoài ra, CSF cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tự động hóa lưu lượng máu não.

Tương tự với nghiên cứu của Laura Lewis và cộng sự, từng có các thí nghiệm trên chuột cho thấy lượng CSF tăng lên khi chúng ngủ và loại bỏ nhiều loại độc tố, trong đó có các tác nhân liên quan đến bệnh Alzheimer. Việc phát hiện hiện tượng tương tự trên con người của nhóm nghiên cứu này được cho là sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho nền y học thế giới.

Minh Nhật

Theo IE