1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bố mẹ lếch thếch mang theo quạt, nón đưa con đi khám bệnh ngày nắng nóng

(Dân trí) - 15 giờ chiều ngày 5/6, trong cái nóng hầm hập, nhiều bố mẹ vẫn bế con đợi đến lượt khám. Dù hành lang có quạt nhưng không khí ngột ngạt, bé nào cũng mướt mả mồ hôi. Đợi đến lượt khám cho con, chị Đỗ Thùy Dung vừa kẹp nhiệt độ, lau mồ hôi, bà thì cầm chiếc quạt điện chạy pin thốc thẳng vào lưng cu cậu mới đỡ nóng.


Hình ảnh các gia đình lếch thếch đưa con đi khám bệnh không phải là hiếm gặp trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Hình ảnh các gia đình lếch thếch đưa con đi khám bệnh không phải là hiếm gặp trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Bé mướt mả mồ hôi đi khám bệnh

Tại Khoa khám bệnh (BV Nhi Trung ương) góc nào cũng có quạt, nước uống miễn phí nhưng không khí vẫn hầm hập. Từ Mê Linh (Vĩnh Phúc), giữa trưa chị Dung bắt taxi đưa con lên khoa Nhi khám vì cu cậu sốt lại có đờm ở cổ.

“Sợ nắng lắm, nhưng con viêm phổi càng sợ hơn. Đi khám sáng thì đông nên đành đi khám chiều, 12 giờ 3 bà con mới nhảy lên taxi đưa con đi khám. Đúng là không đông bằng nhưng nóng quá, hầm hập. Trước khi đi đã hạ sốt cho con rồi mà đến đây hầm hập, sốt càng lâu hạ hơn. May mà còn trang bị quạt cá nhân, bà có nhiệm vụ cầm quạt cho cháu mát”, chị Dung nói.

Bố mẹ lếch thếch mang theo quạt, nón đưa con đi khám bệnh ngày nắng nóng - 2

Chị Dung phải trang bị quạt điện thốc thẳng vào lưng con cho đỡ nóng. Ảnh: H.Hải

Rất may mắn, khi khám bác sĩ cho biết cháu bị bệnh điển hình của mùa nóng là sốt vi rút. Nếu vài ngày nữa vẫn sốt như này, không nặng lên, không đỡ hơn cũng chỉ theo dõi hạ sốt tại nhà, rửa mũi miệng sạch sẽ thường bệnh tự khỏi.

Ngồi trước cửa phòng bệnh, chị Triệu Thị Xuân (Yên Bái) đợi đến lượt khám mắt cho con sinh non 29 tuần nay đã được 45 ngày tuổi. Chị bối rối vừa muốn cởi bớt đồ cho con vì sợ nóng, vừa sợ vi khuẩn bệnh viện nên lại cố trùm khăn che chắn cho con.

Chị cho biết, vì con sinh non nên phải đi khám định kỳ. Đúng ngày nắng nóng cao điểm nhưng đến lịch khám mắt lại cho con, hai mẹ con chị bắt taxi từ Yên Bái xuống, mỗi lượt hết 1,2 triệu đồng.

“Đưa con đi khám đúng ngày nắng nóng thương quá, mẹ bế trên tay mà ọ ẹo suốt vì khó chịu. Nhưng chỉ sợ nhỡ mắt mũi làm sao, nên nắng cũng phải đi khám", chị Xuân nói.

Đưa con đi khám, chị Huyền (Văn Quán, Hà Đông) vừa tranh thủ lúc đợi vừa dùng xi lanh bơm oresol bù nước cho cậu con trai 15 tháng tuổi. 3 ngày nay cậu bé nôn liên tục, ăn gì uống gì cũng nôn. Bù nước không nổi, chị đưa con đi khám. Nóng bức, ngồi xe đẩy nên cháu cũng khó chịu ngọ nguậy, quấy khóc.

"Khổ nhất là việc di chuyển giữa các khoa, nắng, nóng người lớn còn uể oải nữa là con trẻ", chị Huyền nói.

Bố mẹ lếch thếch mang theo quạt, nón đưa con đi khám bệnh ngày nắng nóng - 3

Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày nắng gắt vừa qua số trẻ đến khám, điều trị nội trú tăng nhẹ. Tại viện mỗi ngày có khoảng hơn 2.700 trẻ đến khám, gần 1.500 trẻ nằm nội trú. Theo bác sĩ Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) trẻ đến khám chủ yếu do các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, suy nhược của nhiệt độ cao quá, sốt; trẻ không được cung cấp đủ nước. Có nhiều cháu chuẩn bị đi thi bị ngất. Nhiều trẻ sốt cao nhưng không hạ được sốt phải nhập viện.

Nắng nóng tăng rủi ro cho người già

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kỷ lục xảy ra gần một tuần qua, nhiều người già phải nhập viện điều trị bệnh tăng huyết áp, tim mạch đột quỵ. Gần trưa ngày 5/6, một phụ nữ 70 tuổi trên đường đi mua đá về cho gia đình đã đột tử ở phố Xã Đàn, sau vài phút choáng váng vì nắng nóng.

Nhiều người già nhập viện vì huyết áp tăng, mất nước do nắng nóng. Ảnh: V.H
Nhiều người già nhập viện vì huyết áp tăng, mất nước do nắng nóng. Ảnh: V.H

Theo TS.BS Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chưa có cơ sở để khẳng định cụ bà 70 tuổi tử vong vì say nắng, nhưng nền nhiệt cao, ánh nắng gắt gây nhiều rủi ro cho người cao tuổi bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác. Nếu không che chắn kỹ, ánh nắng mặt trời chiếu vào vùng gáy dẫn đến sốc nhiệt, rối loạn tim mạch dẫn đến đột quỵ, gây tử vong.

Nắng nóng gay gắt, kéo dài nhiều ngày qua đã khiến lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 10%, chủ yếu là rối loạn điện giải do mất nước, mất muối, viêm phổi, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ.

“Người già càng dễ mất nước kèm mất muối. Thế nhưng người già dù mất nước vẫn ít có cảm giác khát nước, chỉ khi tình trạng nặng nguy kịch những người xung quanh mới biết. Do vậy, cần chủ động bù nước cho người già, tốt nhất là bù điện giải bằng nước oresol, nước dừa, nước hoa quả”, TS Lực khuyến cáo.

Xe cấp cứu bận rộn vì nắng nóng

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trong các ngày nắng nóng gay gắt, số cuộc gọi yêu cầu cấp cứu tăng vọt, cao hơn 30% so với mức bình thường.

Mấy ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày có tới 105 - 110 ca gọi cấp cứu vận chuyển. Cá biệt, các ngày chưa nắng nóng trước đó thường chỉ có 3 -5 ca tử vong trước khi xe cấp cứu đến nhưng riêng trong ngày 4/5 – ngày nắng nóng cao điểm của miền Bắc, số ca tử vong khi xe cấp cứu tới lên đến 11 người.

“Các ca tử vong này chưa khẳng định trực tiếp do nắng nhưng đây là những con số phản ánh có bất thường so với nhưng ngày thời tiết bình thường”, bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 cho biết.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thành giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội, Trung tâm đã tăng cường thiết bị, thuốc dịch truyền cũng như sẵn sàng tăng cường kíp trực phục vụ kịp thời yêu cầu của người dân. Ông cũng đưa ra khuyến cáo người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra ngoài khi nắng nóng đặc biệt khung giờ cao điểm 11 - 15 giờ. Trong các ngày 2 và 5.6 đã có hai trường hợp say nắng nóng nặng đến mức phải gọi cấp cứu chuyển viện điều trị. Một trường hợp phụ nữ 70 tuổi tử vong trên đường Xã Đàn nghi liên quan say nắng, say nóng nắng.

Hồng Hải