Bố mẹ có tiền sử mắc ung thư, con cái cần lưu ý gì?
(Dân trí) - Một số bệnh ung thư như ung thư vú, đại trực tràng… có yếu tố di truyền. Nếu gia đình có tiền sử mắc ung thư, thì nên đi khám sàng lọc ung thư sớm, định kỳ.
Theo GS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), mặc dù nhiều người tin rằng bệnh ung thư có tính chất gia đình nhưng bệnh ung thư không di truyền từ cha mẹ sang con cái giống như các đặc tính di truyền khác như chiều cao hay màu tóc, màu da. Chỉ một số ít bệnh ung thư liên quan đến gen di truyền. Phần lớn người mắc ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau.
Cần hiểu một cách đầy đủ hơn là bệnh ung thư là loại bệnh do tổn thương gen (vật liệu mang tính di truyền của tế bào)gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gen. Hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gen này không di truyền.
Một tỷ lệ nhỏ, khoảng dưới 10% là do tổn thương gen có sẵn trong cơ thể. Những tổn thương gen này có thể di truyền nhưng không phải sẽ di truyền cho tất cả con của người có gen này. Chỉ khoảng 50% số con sẽ nhận di truyền các gen đó. Trong số những người con có gen sinh ung thư, cũng không phải tất cả sẽ bị ung thư. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ sẽ mắc ung thư trong cuộc đời họ.
Theo GS Đức, một số ít loại ung thư có yếu tố gia đình, nếu một người có họ hàng ruột thịt gần gũi (bố mẹ, anh chị em) bị loại ung thư đó thì khả năng mắc bệnh của họ có thể tăng lên. Nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người có liên quan mạnh mẽ tới tuổi tác và các yếu tố nguy cơ từ thói quen sống, từ môi trường.
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khuyên với những trường hợp cha mẹ đã có tiền sử mắc bệnh ung thư, thì con cái nên được tầm soát ung thư sớm định kỳ để có thể phát hiện sớm những biểu hiện bất thường và có phương pháp điều trị hợp lý.
Hà An