Biến huyện đảo Cần Giờ thành khu cách ly chống Covid-19 nếu cần
(Dân trí) - Với lợi thế của một huyện đảo có đầy đủ bệnh viện, cơ sở y tế, mật độ dân cư không đông, TP HCM sẽ biến nơi đây làm khu cách ly tập trung chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần.
Đó là nội dung được GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, TPHCM đề cập tới trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 6/3. Theo đó, hiện nay thành phố có 2 trung tâm cách ly tập trung tại huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và các điểm cách ly tập trung tại các quận huyện. Trước mắt, các điểm cách ly trên đang đáp ứng tốt những điều kiện cần thiết cho những người thuộc diện phải cách ly tập trung sau khi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người bệnh.
Tính đến sáng 6/3, trên toàn thành phố đang thực hiện các biện pháp theo dõi tại các khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà đối với 1.093 người đi về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 hoặc tiếp xúc với người về từ vùng có dịch bệnh Covid-19. Có 4 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 đang chờ kết quả xét nghiệm.
Cụ thể, có 345 ca đang được cách ly tại Khu cách ly tập trung của TP, gồm: 248 ca tại Khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Củ Chi; 79 ca tại Khu cách ly tập trung tại huyện Nhà Bè; 18 ca tại Khu cách ly tập trung tại cơ sở cũ của Bệnh viện Quận 7. Tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, có 222 ca đang tiếp tục được theo dõi. Số người được theo dõi trong cộng đồng là 526 trường hợp.
Để chủ động các phương án phòng chống dịch trên quy mô lớn, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, ngành y tế thành phố đang chủ động đi trước một bước trong mọi nỗ lực ngăn chặn dịch từ xa, chủ động phát hiện ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời. Hiện nay, dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia chưa công bố dịch và đang mở cửa cho các dịch vụ du lịch. Đây là một trong những nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam từ những hành khách nhập cảnh hoặc quá cảnh.
Hôm qua, ngày 5/3, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Giám đốc Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất có các giải pháp chủ động khử trùng máy bay đối với tất cả các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay nội địa. Các giải pháp tầm soát thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế đang được siết chặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều quốc gia, ngay cả đất nước có nền kinh tế và y học phát triển như Mỹ cũng đang bị tác động nặng nề với 12 người chết vì dịch Covid-19. Vì vậy, thành phố cần chủ động mọi phương án cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Theo đề xuất của GS Nguyễn Tấn Bỉnh, ngoài việc mở rộng các khu cách ly hiện hữu, Sở Y tế xác định Cần Giờ là huyện đảo, chỉ có 70.000 dân, nên có thể cô lập làm vùng cách ly khi cần thiết. Ngoài ra, hai cơ sở khác cũng có thể làm khu cách ly người nghi nhiễm Covid-19 là trường Đại học Quốc gia (20.000 người) và Bệnh viện Ung bướu mới xây dựng tại quận 9 quy mô 1.000 giường.
Theo nhận định của GS Nguyễn Tấn Bỉnh, các phương án phòng chống dịch bệnh đã được thành phố triển khai khá tốt khi phối hợp với các tỉnh diễn tập tình huống giả định với quy mô 30.000 người nghi nhiễm bệnh. Hiện, thành phố cũng đã tính đến các giải pháp cách ly cả một phường, một xã cao hơn là cả một quận vì thế việc đưa huyện đảo Cần Giờ làm khu cách ly tập trung trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng là cần thiết và khả thi, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho khu vực các quận huyện trong nội thành.
Sau trường hợp người đàn ông Nhật Bản bay từ Campuchia về nước quá cảnh tại Tân Sơn Nhất được nước bạn xác định dương tính với Covid-19, TPHCM đang tính đến các giải pháp ứng phó với tình huống người nước ngoài từ vùng dịch lách cách ly bằng cách đi qua Campuchia rồi sang Việt Nam. Các phương án kiểm soát biên giới với nước bạn đề ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập đã được siết chặt.
Trước tình hình trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố nhấn mạnh việc chống dịch ở thời điểm hiện tại phải thực hiện như chống giặc, ông đề nghị tất cả các sở ngành liên quan của thành phố phải tuyệt đối không được chủ quan, sơ suất, chủ động xử lý triệt để mọi tình huống để ngăn chặn kịp thời mọi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Vân Sơn