Bidiphar hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Bana với cây dược liệu chè dây

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đồng hành cùng Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc, bên cạnh hỗ trợ vốn, nhân lực, Bidiphar- Dược Bình Định còn là đơn vị cung cấp nguồn giống chè dây đạt chuẩn GACP - WHO.

Bảo tồn, phát triển dược liệu chè dây đạt chuẩn quốc tế

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã bắt đầu xu hướng "trở về với thiên nhiên" thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên để phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, theo thống kê, nguồn dược liệu trong nước hiện mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc với chất lượng khó kiểm soát.

Để chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ổn định, đạt chuẩn quốc tế, năm 2015, Bidiphar - Dược Bình Định đã đầu tư vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO). Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, vườn dược liệu rộng hơn 75 ha tại xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) với nhiều điều kiện tự nhiên đặc biệt giúp cây dược liệu tích lũy được hàm lượng dược chất cao nhất.

Hiện vườn dược liệu của Bidiphar đã trồng được hơn 12 loài dược liệu quý trên mô hình lớn như: cây thìa canh, cà gai leo, đinh lăng, chè dây, đương quy, đảng sâm, ba kích, hà thủ ô… Nhiều loại dược liệu đã được Bộ Y tế chứng nhận GACP-WHO, trong đó có cây dược liệu chè dây.

Khởi nguồn việc trồng dược liệu chè dây vào năm 2018, trước thực trạng cây Chè dây tại xã An Toàn có nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác theo kiểu "tận diệt" của người dân bản địa. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng ban quản lý Dự án dược liệu Bidiphar, với thế mạnh chè dây là cây bản địa nên việc trồng và chăm sóc không quá khó tuy nhiên phải đúng kỹ thuật và chuyên cần.

"Để có được nguồn giống tốt chúng tôi phải tìm được những cây chè dây mẹ đảm bảo đạt các tiêu chí khỏe mạnh, độ tuổi phù hợp, không có vết bệnh. Với sự khai thác của người dân thì việc tìm được những cây đạt chuẩn rất khó, có khi đi cả ngày chỉ tìm được vài cây là mừng lắm rồi! Khởi đầu nguồn giống tốt là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến khả năng sống, sinh trưởng và đạt hàm lượng hoạt chất cao nhất của cây chè dây con sau này", anh Thiệp chia sẻ.

Theo anh Thiệp, khi có được nguồn giống tốt sẽ tiến hành xử lý hom giống sau đó thực hiện nhân giống tại vườn ươm. Sau gần 3 tháng chăm sóc tích cực, hom giống bén rễ, ra lá khỏe mạnh, Bidiphar sẽ tiến hành đưa trồng tại thực địa. Kết quả hơn 95% cây con sinh trưởng, phát triển tốt và đạt được hàm lượng hoạt chất cao khi thu hái. Việc nhân ươm giống cây chè dây đạt yêu cầu phải trải qua thời gian dài, thử nghiệm nhiều quy trình kỹ thuật, cán bộ phải theo sát từng ngày ghi nhận từng đặc điểm sinh trưởng của cây thì mới xây dựng và làm chủ được quy trình trồng.

Bidiphar hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Bana với cây dược liệu chè dây - 1
Nhất vị linh - một trong những sản phẩm đã được công ty Bidiphar đưa ra thị trường từ dược liệu Chè Dây đạt chuẩn GACP - WHO.

Sau gần 2 năm trồng khảo nghiệm và đạt thành công trên quy mô lớn, Bidiphar đã xây dựng được quy trình trồng chè dây đạt chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo Tổ chức Y tế thế giới và đã được Bộ Y tế chứng nhận. Sự thành công này đã cho ra đời Nhất Vị Linh - sản phẩm được chiết xuất hoàn toàn từ cây chè dây tại An Toàn. Với hàm lượng dược chất cao hơn so với các sản phẩm cùng loại, đến nay sản phẩm bảo vệ sức khỏe Nhất Vị Linh đã được hàng triệu người Việt tin dùng.

Đồng hành bảo vệ rừng, hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Ba Na

Năm 2020, khi Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc do Quỹ môi trường toàn cầu phối hợp với một số đơn vị khởi động, với tâm huyết duy trì và phát triển nguồn dược liệu quý của địa phương cộng với kinh nghiệm và quy trình trồng chè dây đạt chuẩn GACP - WHO, Bidiphar trở thành đơn vị tiên phong hỗ trợ cung cấp giống chè dây cho bà con bên cạnh nguồn vốn, kỹ thuật.

Bidiphar hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Bana với cây dược liệu chè dây - 2
Vườn ươm giống cây chè dây của Bidiphar đạt chuẩn GACP - WHO.

Đến nay, Bidiphar đã cung cấp hơn 30.000 cây giống chè dây cho các hộ tham gia dự án đồng thời cắt cử nhân lực nằm vùng, đến tận nơi hướng dẫn chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hái theo chuẩn GACP - WHO cho bà con.

Một trong số những hộ đầu tiên tham gia vào dự án, ông Đinh Văn Kem (thôn 1, xã An Toàn) cho biết: "Gia đình tôi tham gia trồng chè dây trong dự án chỉ tốn công chăm sóc, nguồn cây giống được cán bộ Bidiphar chở đến tận rẫy. Ngoài ra còn được các anh hướng dẫn cách trồng chăm sóc, thu hái theo quy trình chuẩn. Tham gia vào các lớp học trong dự án, bà con cũng hiểu hơn về ý nghĩa của việc bảo tồn cây thuốc này. Đặc biệt, toàn bộ chè dây bà con trồng đều được công ty Bidiphar thu mua nên chúng tôi rất yên tâm".

Bidiphar hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Bana với cây dược liệu chè dây - 3
Cán bộ kỹ thuật Bidiphar hướng dẫn quy trình trồng chè dây cho bà con đồng bào Ba Na.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Bidiphar luôn nỗ lực thực hiện các hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Đồng hành cùng dự án ngay từ đầu, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Bidiphar cho biết việc nhân giống, trồng thành công dược liệu chè dây đạt chuẩn GACP - WHO đã góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý tại địa phương. Điều này cũng giúp đa dạng cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc, giảm áp lực khai thác, lấn chiếm rừng tự nhiên tại địa phương. Bidiphar cam kết bao tiêu toàn bộ chè dây do bà con thực hiện trong dự án với giá ổn định, tạo tiền đề cho nghề trồng cây dược liệu - một ngành "kinh tế xanh" ngày càng phát triển, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.