1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Bia rượu thụ động”: Tác hại hơn uống trực tiếp

(Dân trí) - Gần đây, "uống rượu thụ động" được công nhận rộng rãi là một vấn đề y tế cộng đồng quan trọng. Nhiều thống kê khoa học cho thấy có đến 1/5 người lớn bị “uống thụ động” do những người chung quanh. Uống rượu thụ động là gì? Tác hại ra sao? và Vì sao phải quan tâm, lưu ý?

“Bia rượu thụ động”: Tác hại hơn uống trực tiếp - 1

Định danh “uống thụ động”

Uống bia rượu thụ động, uống thứ cấp, second-hand drinking, là cụm từ chỉ những người bị ảnh hưởng do tiếp xúc, chung sống với những người nghiện rượu, có những động thái khác thường do thay đổi tâm thần kinh.

Khác với người “hút thuốc lá thụ động”, phải hít thở các chất độc của khói thuốc lá trong không khí bị ô nhiễm, người "uống bia rượu thụ động" không bị nhiễm độc bia rượu “thụ động” theo nghĩa đen, mà họ bị các ảnh hưởng hệ thần kinh, não bộ do ảnh hưởng từ hành vi say xỉn.

Nhân cách ở người say (drinking behaviors)

Người nghiện bia rượu, nhiễm độc cồn mãn tính, chức năng của hệ thần kinh trung ương, não bộ bị thay đổi nên có những động thái khác thường. Những rối loạn hành vi do rượu được ghi nhận: (1) To tiếng, nói vống phóng đại, lạm dụng lời nói, thể chất hoặc cảm xúc (hội chứng Wernickle Korsakoff); (2) Bỏ bê hoặc bắt nạt người thân quen; (3) Lý sự, bắt bẽ hoặc kết buộc; (4) Đanh đá, đôi chối, cãi cọ; (5) Bạo lực gia đình; (6) Bê trễ công việc cơ quan, công sở; (7) Vi phạm giao thông; (8) Tấn công, quan hệ tình dục không an toàn, không mong muốn hoặc không có kế hoạch; (9) Rối loạn cảm xúc, yêu khi say ghẻ lạnh, xa lánh khi tỉnh…

Những hành vi này được các đệ tử lưu linh thực hiện vô thức, tự phát, không chủ ý, nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến những người xung quanh, và biến họ thành người “uống bia rượu thụ động”.

Thay đổi khi bị “uống thụ động” (responses with second-hand drinking)

Do phải tiếp xúc nhiều lần với các động thái bất thường của người say, hệ thần kinh trung ương, não bộ người “uống thụ động” sẽ kích hoạt cơ chế thần kinh tự động “chiến đấu hay chạy trốn” (fight or flight mechanism), giúp họ thích nghi môi trường sống: (1) Biến giảm những dồn nén; (2) Co cụm tâm trạng, cảm xúc; (3) Lảng tránh, không tiếp xúc người say; (4) Sợ hãi, tức giận hoặc lo lắng; (5) Rút khỏi gia đình, bạn bè hoặc các hoạt động; (6) Đau đầu, nửa đầu do căng thẳng, (7) Trục trặc tiêu hóa, dạ dày-ruột; (8) Rối loạn giấc ngủ; (9) Mệt mãn tính; (10) Lo lắng, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng thường xuyên.

Vì những phản ứng về thể chất và tinh thần này, sinh hoạt của người “uống rượu thụ động” bị hạn chế, cản trở, và chất lượng sống bị giảm thấp.

“Bia rượu thụ động”: Tác hại hơn uống trực tiếp - 2

Bia rượu thụ động: Vấn nạn y tế lớn

Hiện nay, các nhà y học và quản lý đánh giá uống rượu thụ động là một vấn nạn y tế cộng đồng hai lý do:

(1) một là số lượng người bị ảnh hưởng khá lớn. Vì những người bị “uống rượu thụ động” bao gồm cha mẹ, ông bà, con cái, vợ chồng, anh chị em, dâu, rể, đồng nghiệp, bạn bè...nên số lượng rất lớn. Theo nhiều thống kê khoa học, có đến 20% người lớn bị uống thụ động do từ những người nghiện chung quanh. Hơn nữa, hiệu ứng chuỗi của lạm dụng rượu có thể gấp hai, ba lần số người bị “uống rượu thụ động”;

(2) hai là mối liên hệ mật thiết giữa uống rượu thụ động và stress cuộc sống. Vì hệ thần kinh trung ương, não bộ phải kích hoạt cơ chế “chiến đấu hay chạy trốn”, người “uống thụ động” thường xuyên đối phó với các stress sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đôi điều bàn luận

Những năm gần đây, vấn đề bị "uống rượu thụ động" đã được công nhận là một lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, trên thế giới có khoảng 2,3 tỷ người đang sử dụng rượu. ước tính có 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ nghiện rượu. Ở tại Anh, cứ 5 người lớn lại có 1 người bị “uống thụ động”. Cũng theo WHO, rượu là nguyên nhân gây ra khoảng 4%, tương đương 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Năm 2015, chuyên gia Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC, Viện sức khoẻ cộng đồng California và ĐH Dakota, Hoa Kỳ, cho thấy, mỗi năm có hơn 53 triệu người bị tổn hại vì người khác uống rượu bia. Các tổn hại này là những biến đổi, xáo trộn tâm sinh lý khi phải thường xuyên sống chung, chịu áp lực của các động thái “say xỉn”.

Tiến sĩ Sven Andreasson, Viện Karolinska Stockholm, Thụy Điển, có một phát biểu lý thú: "Khi các chuyên gia so sánh tác động của các hợp chất kích thích khác nhau trên con người, thì rượu bia là thứ gây tác hại lớn nhất. Và khi so sánh tác hại trên bản thân và với người khác, rượu lại một lần nữa đứng trên đỉnh, so với thuốc lá, heroin, cocaine và các chất gây nghiện khác".

Hai bất cập hiện nay: (1) Nam giới thường bị ảnh hưởng do bản thân quá chén, hay người khác say xỉn gây ra, trong khi phụ nữ chính là người bị “uống rượu thụ động”, bị rủi ro vì phải chung sống với những người thân nghiện ngập trong gia đình, nhưng thường không được xã hội, ngành y tế lưu ý đúng mức; và (2) Các chính sách quản lý, luật pháp, thuế má khá chặt với thuốc lá nhưng chưa hợp lý với rượu bia, đặc biệt là ở các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam ta.

Thay lời kết

Bia rượu thụ động ảnh hưởng khá nhiều lên sức khỏe và chất lượng sống. Tuy nhiên, cũng có cách để giảm thiểu tác động xấu và phục hồi, bao gồm việc chữa lành các rối loạn thần kinh não bộ, tái tạo các hành vi lành mạnh và tự chăm sóc bản thân.

Cần tìm hiểu về nghiện rượu và uống rượu thứ cấp để có kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc chăm sóc, hỗ trợ người thân nghiện ngập, đồng thời ngăn chặn các tác hại do uống thụ động gây ra.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam