Bị táo bón kéo dài, 3kg phân đóng trong ruột bé trai 5 tuổi
(Dân trí) - Bị táo bón từ khi chào đời, ruột cháu bé 5 tuổi phình giãn hơn 20cm, đóng gần gần 3kg phân. Đây là bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên nhân vô hạch chiếm vị trí hàng đầu trong hội chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (ngày 17/7) cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị táo bón suốt 5 năm qua. Bệnh nhi là bé Đ.T. (5 tuổi ngụ tại Rạch Giá, Kiên Giang) vào viện trong tình trạng bụng phình lớn, đau bụng.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, bệnh nhi bị táo bón từ khi chào đời đến nay. Bé được đưa đến nhiều bệnh viện điều trị nhưng không mang lại kết quả. Ngưng điều trị trở về được vài ngày, bé tiếp tục không đi cầu được, bụng căng lớn nên gia đình thường xuyên phải bơm dịch làm trơn qua đường hậu môn, hỗ trợ đại tiện cho bé.
Trước khi phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bụng bệnh nhi ngày càng phình căng to bất thường, giải pháp bơm dịch qua hậu môn hỗ trợ đại tiện cho bệnh nhi không mang lại kết quả khiến nhi rơi vào tình trạng đau đớn.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và chụp phim, bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung), khiến một đoạn đại tràng không có dây thần kinh kiểm soát sự co bóp đại tràng. Sau hội chẩn bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi. Sau 3 giờ khẩn trương trên bàn mổ, bác sĩ đã cắt bỏ phần trực tràng bị phình dài gần 20cm, dãn to 20cm, cùng gần 3 kg phân ứ đọng bên trong. Sau phẫu thuật, bé đã ăn uống và tự đi cầu được, tình trạng táo bón không tái phát.
Thông tin chuyên môn từ BS Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, khoa Ngoại Tổng hợp cho hay: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên nhân vô hạch chiếm vị trí hàng đầu trong hội chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Trẻ mắc bệnh sau chào đời sẽ không đi tiêu phân su ở ngày đầu tiên (trẻ bình thường sẽ đi phân su). Những ngày sau đó, bé vẫn tiếp tục táo bón phải dùng thuốc bơm vào hậu môn hỗ trợ đi cầu.
BS Cẩm Xuyên khuyến cáo không phải trẻ nào mắc bệnh trên cũng có thể phát hiện trong giai đoạn sơ sinh. Do vậy, khi xuất viện, bác sĩ cần hẹn tái khám, người nhà bệnh nhi nên tuân thủ hoặc thấy bệnh nhi có biểu hiện táo bón cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị. Việc phẫu thuật sớm sẽ giảm được nguy cơ phình ruột, tắc ruột và đảm bảo chức năng tiêu hóa, đào thải phân cho bệnh nhi.
Vân Sơn