1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị rắn lục đuôi đỏ cắn: Điều trị bằng thuốc Nam là không hiệu quả

TS.BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy chia sẻ như thế về thực trạng điều trị của các bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong thời gian qua.

Điều trị bằng thuốc Nam là không hiệu quả

Theo BS Bính, đối với phụ nữ mang thai, khị bị rắn lục đuôi đỏ cắn có nguy cơ gây xảy thai, sinh non là rất cao. Phụ nữ mang thai khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn sẽ làm đông máu, gây xuất huyết trong bánh nhau, đằng sau bánh nhau, nguy cơ bị sảy thai hoặc sinh non.

Ngoài ra, những người bị rắn lục đuôi đỏ cắn cũng có nguy cơ bị sốt xuất huyết, trụy tim mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy thận….Đây là một thách thức lớn đối với bác sĩ trong điều trị người bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Tuy nhiên, BS Bính lại tỏ ra lo ngại, khi có rất nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn lại xử lý sai nguyên tắc.

Thay vì phải thực hiện trong tư thế bất động để băng ép thì nhiều nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn lại sử dụng phương pháp sơ cứu bằng ga-rô (cột)

Ông Bính cho rằng, rắn lục đuôi đỏ cắn mà thực hiện sơ cứu bằng cách ga-rô là sai lầm, dễ gây nguy hiểm cho nạn nhân. Dù ga-rô động mạch không cho máu chảy xuống, hay ga-rô tĩnh mạc không cho máu chảy về đều nguy hiểm, có nguy cơ phải đoạn chi.

Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn lại sử dụng các bài thuốc Nam, các bài thuốc cổ truyền là không hiệu quả.

“Tôi làm ở lĩnh vực rắn cắn này đã 20 năm, tôi chưa thấy người nào chữa thuốc nam khi bị rắn độc hay rắn lục đuôi đỏ cắn mà sống được. Nhiều người đi lòng vòng, chữa hết bài thuốc nam này đến bài thuốc nam khác, cuối cùng đến đây đã quá muộn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm”, ông Bính nói.

Bị rắn lục đuôi đỏ cắn, điều trị bằng thuốc Nam sẽ không có
hiệu quả
Bị rắn lục đuôi đỏ cắn, điều trị bằng thuốc Nam sẽ không có hiệu quả

Cũng theo BS Bính, rắn lục đuôi đỏ cắn rất dễ chảy máu, nhưng nhiều nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn lại cắt, rạch để nặn máu càng gây ra mất máu nhiều, rất nguy hiểm.

“Nhiều nơi không có kinh nghiệm, đem rạch nơi rắn cắn khiến máu chảy liên tục, không cầm được dễ gây tử vong. Chúng ta giải áp để cứu các chi của nạn nhân nhưng vô tình lại chảy máu không cầm. Đây là điều mà các cơ sở chữa trị cần chú ý”, BS Bính nói.

Một trong những cách xứ lý quan trọng nhất đối với trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn theo TS.BS Trần Quang Bính là băng ép đầu chặt, chỉ cần băng tại chỗ vết cắn.

Khi thực hiện bất động để băng ép không cần phải cởi quần áo, vì như thế khiến nạn nhân vận động, nọc độc càng chảy vào máu, gây nguy hiểm, cứ để tự nhiên băng ép. Bởi vấn đề quan trọng lúc này là hạn chế nọc độc di chuyển vào hệ tuần hoàn của nạn nhân.

Điều trị trong tình trạng bị “mù”

Cũng theo TS.BS Trần Quang Bính, hiện Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ mới sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục và rắn hổ đất; còn các loại rắn khác như: chàm quàm, hổ chúa, cạp nong, cạp nia… chưa sản xuất được huyết thanh kháng nọc.

Do đó, những huyết thanh kháng nọc của những loại rắn khác phần lớn Việt Nam nhập từ Thái Lan.

Số lượng người bị các loại rắn: chàm quàm, hổ chúa, cạp nong, cạp nia…cắn là không nhiều, các công ty dược phẩm trong nước rất ít nhập các loại huyết thanh kháng nọc rắn trên.

“Bộ Y tế chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này, chỉ nhập từng đợt, có lúc có, có lúc không. Do đó, không ít lần bệnh viện có những bệnh nhân bị các loại rắn trên cắn nhưng lại không có huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị. Chúng ta cần phải trang bị sẵn những loại huyết thanh trên, nếu hết hạn thì bỏ, để khi có bệnh nhân thì có xử lý ngay”, BS Bính cho biết.

Bị rắn lục đuôi đỏ cắn, điều trị bằng thuốc Nam sẽ không có
hiệu quả
Sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở chi phải, một nạn nhân đã sử dụng biện pháo ga- rô nên cuối cùng đã phải đoạn chi phải.

Đối với các loại thuốc khác có sự phân biệt giữa liều dùng của người lớn và trẻ em, nhưng theo bác sĩ Bính, đối với rắn lục đuôi đỏ cắn, liều dùng đối với huyết thanh kháng nọc không có sự phân biệt giữa người lớn và trẻ em. Liều dùng cũng không cố định, tùy thuộc vào việc bị rắn lớn hay rắn nhỏ cắn, nọc nhiều hay nọc ít, nên liều lượng của bệnh nhân này bệnh nhân khác cũng khác nhau.

Hiện nay ở Việt Nam, chẩn đoán rắn cắn ngoài dựa vào vết thương của nạn nhân bị cắn còn có thể dựa vào con rắn, nếu nạn nhân bắt được rắn đưa đến bác sĩ.

Tuy nhiên, về mặt khoa học là phải lấy máu, sau đó định danh và định lượng nọc độc có trong máu và xem đó là loài rắn gì. Điều này, đã được một số nước trên thế giới thực hiện, nhưng Việt Nam chưa làm được.

“Việt Nam giờ chỉ chữa “mù”, chúng ta cho một ít lọ huyết thanh kháng nọc rắn theo dõi xem vài ngày, tình trạng rối loạn đông máu có cải thiện không, nếu cải thiện thì ngưng, còn không thì lại tếp tục cung cấp thêm huyết thanh kháng nọc rắn. Đây là một hạn chế lớn trong quá trình điều trị rắn lúc đuôi đỏ cắn hiện nay ở Việt Nam”, BS Bính chia sẻ.

Theo Hồ Quang

Một thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm