Bí quyết trường thọ của cụ bà 110 tuổi
(Dân trí) - Đến đầu xóm Mộc (xã Minh Quang - Ba Vì - Hà Tây), chúng tôi hỏi thăm nhà cụ Nguyễn Thị Ít, bà mẹ Việt Nam Anh hùng 110 tuổi, mọi người đều chỉ dẫn rất rành rẽ: “Nhà ai chứ nhà cụ Ít, người thọ nhất xã, mà có khi nhất tỉnh thì ai còn lạ gì!”
40 năm chưa một lần đau ốm
Chúng tôi gõ cửa căn nhà ngói nhỏ nằm giữa những tàng cây xanh mát. Một giờ chiều. Cả nhà đang ngủ trưa, nhưng cụ Ít là người tỉnh giấc đầu tiên. Biết có khách đến thăm, cụ vấn lại khăn rồi rời khỏi gian buồng ngủ nhàn nhạt tối, ra bàn nước, ánh ngày chạm khắc thêm những nếp nhăn xô dạt như đắp nổi trên khuôn mặt.
Cụ cho chúng tôi xem những giấy tờ tùy thân đã cũ vàng vì thời gian. Trong những giấy tờ cụ Ít còn giữ lại, có tấm thẻ căn cước cấp năm 1973 ghi cụ sinh năm 1895. Như vậy năm nay cụ vừa tròn 110 tuổi. Cụ Ít có lẽ là bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất hiện nay.
Cụ có 5 người con, thì cả 5 đều đã qua đời. Anh Thêm - người con trai út hi sinh tai chiến trường miền Nam năm 1968. Chồng cụ lấy vợ hai, có 4 người con. Cả chồng và bà hai đều đã mất. Hiện giờ cụ sống với vợ chồng anh Nguyễn Văn Thình - người con trai thứ ba của bà hai.
Như được trời phật bù đắp lại, cụ Ít khỏe mạnh hiếm thấy. Hơn trăm tuổi, cụ vẫn đi bộ xuống tận Sơn Tây cách nhà mấy chục cây số để quyên tiền xây đền Hạ dưới chân núi Tản. Năm ngoái đây thôi cụ còn chặt củi, nhổ cỏ vườn, nấu ăn, may vá lấy. Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, cụ vẫn chống gậy ra hòm phiếu trong thôn để tự mình bỏ lá phiếu, thực hiện nghĩa vụ người công dân.
Sang năm nay, sức khỏe có kém đi, thỉnh thoảng hơi bị lẫn nhưng cụ vẫn luôn chân luôn tay vẽ ngô, quét nhà, quét sân, nấu cơm canh giúp con cháu. Vợ chồng anh Thình có gàn, nhưng không được. Có lẽ cụ Ít không dễ gì bỏ được thói quen làm lụng đã cùng cụ đi gần hết cuộc đời khổ nghèo.
Quả thực, cụ Ít chẳng mấy khi ốm, chỉ khi trái gió trở trời thì đau đầu, qua hôm sau là khỏi. Chân yếu, hay ngã, nhưng chỉ sứt sát chứ chẳng gãy xương bao giờ.
Trong góc nhà cụ Ít, cỗ quan tài đã 40 năm nằm phủ bụi im lìm. Cụ kể năm 70 tuổi, cụ bị trận ốm mệt tưởng không qua khỏi. Theo ý cụ, người con rể đã chuẩn bị một cỗ quan tài. Đến nay, người con rể ấy đã xấp xỉ 80 và nghe chừng còn yếu hơn cả mẹ.
“Tôi phải sống đến 130 tuổi!”
Hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Ít chỉ cười, hàm răng đen nhánh vẫn còn đều tăm tắp. Cụ ngủ ít, ăn ít nhưng ăn làm nhiều bữa, mỗi bữa chừng hai chén cơm. Cụ Ít ăn rất khô. Món cụ thích nhất là cơm nguội trộn muối lạc, muối vừng tự tay giã lấy. Rau cỏ sẵn ở vườn nhà, không bị phun thuốc sâu thuốc bọ gì. Cụ ăn rất ít thịt và nếu ăn thì phải nấu thật nhừ.
Có lẽ một trong những bí quyết sống thọ của cụ Ít là tính lạc quan. Các cháu đi xem bói về động viên: “Bà ơi, người ta bảo bà phải sống đến 130 tuổi!”. Từ đó đi đâu cụ cũng hay khoe: “Tôi phải sống đến 130 tuổi mới chết được”.
Huyện Ba Vì nơi cụ Ít sinh sống từ khoảng sáu chục năm nay cũng là huyện có có số lượng người cao tuổi nhiều nhất, thọ cao nhất tỉnh Hà Tây. Vào thời điểm này huyện có 28.608 hội viên người cao tuổi, trong đó có 162 cụ tròn 60 tuổi, 116 cụ 70 tuổi, 699 cụ 80 tuổi, 167 cụ 90 tuổi và 10 cụ đại thọ 100 tuổi. Có lẽ huyện xa nhất của tỉnh Hà Tây, với núi Tản còn rợp bóng cây và dòng sông Đà xanh mát trong lành cũng là nguyên nhân kéo dài tuổi thọ của các cụ.
Năm 1992, xã hỗ trợ giúp cụ Ít xây ngôi nhà ngói khang trang trên nền căn nhà tre cũ nát. Người già, nhu cầu không nhiều, khoản tiền chế độ 710.000 đồng/tháng và một cơ quan trong tỉnh đỡ đầu 100.000 đồng/tháng cụ Ít chẳng tiêu mấy cho bản thân.
Chị Trần Thị Dự, vợ anh Thình kể: “Cụ rất nóng tính, không nên không phải gì là cụ nói ngay, nói bằng hết. Nhận lương là cụ mua sắm đồ ăn đồ uống cho cả nhà. Hai cháu nhà tôi đi học cấp 3 chủ yếu cụ chu cấp...” Thỉnh thoảng có những cán bộ cách mạng khi xưa cụ Ít nuôi giấu đến chơi, cụ vui lắm. Họ cũng đã già, người mất người còn.
Khi chúng tôi chào cụ ra về, cụ Ít hóm hỉnh đùa: “Các cô các chú lần sau về thăm tôi, nhớ mua cho tôi vài lạng “gan giời”. Cá tôi không ăn, thịt tôi không ăn, tôi muốn nếm thử gan giời nó mặn nhạt ra sao...” Phải chăng ẩn chứa trong câu đùa ấy là sự thách thức số phận, đã giúp cụ Ít mạnh mẽ vượt qua những bất hạnh đời mình để tiếp tục sống khỏe, sống vui, sống vì con cháu...
Lan Phương