1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị nghi có độc, cam Thái đổi “quốc tịch”

Malaysia vừa ra lệnh cấm nhập khẩu cam của Thái Lan do phát hiện dư lượng lớn chất Ethion, thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao. Rất nhanh, các tiểu thương kinh doanh hoa quả Việt Nam đã đổi tên loại cam có màu vàng óng vốn được gọi là cam Thái thành cam Australia(!?).

Cam Thái đồng loạt thành cam Australia và Trung Quốc?

 

Tuần trước, loại cam này khi bày bán trên các cửa hàng hoa quả trên các phố của Hà Nội như Hàng Da, Cầu Giấy, Đường Láng, Bà Triệu được gọi là cam Thái hay cam Thái Lan. Ngay khi có thông tin loại cam này có chứa hóa chất độc hại Ethion, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển sang gọi là cam Australia. Khi phóng viên hỏi mua cam Thái, thì được trả lời: “Làm gì có cam Thái, chỉ có quýt Thái thôi. Cam này là cam Australia”.

 

Giá cam trung bình là 40 - 45.000đ/1kg, có cửa hàng còn bán 60.000đ/1 kg vì đây là cam Australia. Trong khi ngay cạnh đó là chợ tạm Phùng Hưng, nhiều cửa hàng vẫn gọi loại cam này là cam Thái và bán với giá 35.000đ/1kg. Theo chị Nguyệt (chợ tạm Phùng Hưng) thì cam của chị là loại 1, giá bán không hề đắt so với cam của mấy bà hàng rong.

 

Theo chủ cửa hàng Ánh Tuyết, chợ Long Biên, loại cam này được nhập khẩu từ Australia, mỗi quả nặng khoảng 0,3kg, cá biệt có quả nặng tới 0,45kg, ăn “ngọt cực kỳ”. Nếu để tủ lạnh cam có thể bảo quản được 1 tháng; nếu để ngoài, cam có thể để được 15 ngày. Các cửa hàng tại chợ hoa quả Long Biên cho biết, đợt này cam khá hiếm, hàng có không đều và phải đặt trước. Hầu hết các chủ cửa hàng khi được hỏi vì sao cam có thể để lâu thế, liệu có chất bảo quản thực vật có trong cam không, thì đều trả lời là không hề có chất bảo quản.

 

Nhiều loại thông tin

 

Trước thông tin loại cam Thái Lan có chứa hóa chất độc hại Ethion, một loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Chị Mai (Hoàn Kiếm) vội vàng vứt bỏ cam này với tâm lý “cẩn thận cho yên tâm”, dù hai cô con gái nhỏ đều rất thích ăn loại cam này. Trong khi đó, chị Khánh (Khương Trung, Thanh Xuân) đang định mua loại cam này vì thấy đẹp và nghe nói rất ngọt, giờ vội từ bỏ ý định.

 
Bị nghi có độc, cam Thái đổi “quốc tịch” - 1

Người tiêu dùng thật khó phân biệt xuất xứ của các loại hoa quả lạ (Ảnh: GD)
 

Theo bà Dung, một người bán trái cây lâu năm tại chợ đầu mối Long Biên thì cam Thái Lan hay cam Australia thực chất đều là cam Trung Quốc, tên gọi khác nhau là do người bán hàng tự đặt ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Cam được nhập ngay tại chợ vào mỗi tối, do các xe chở từ Lạng Sơn về. Tại cửa hàng của bà, loại cam này không được bán lẻ mà bán buôn với giá là 300.000/1 thùng/13 kg.

 

Bà Dung nói: “Tôi cũng không biết là có chất bảo quản thực vật trong cam hay không. Cái này phải do các cơ quan chức năng kiểm tra thì mới biết được, còn chúng tôi chỉ nhập về bán thôi, nếu có thì thôi không nhập vì người tiêu dùng biết sẽ không mua cam nữa”.

 

Theo Lan Phương

Gia đình