Bi hài mùa cúm A: Người khốn đốn vì khan thuốc, người tranh thủ làm giàu
(Dân trí) - Với những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cúm A, tình trạng khan thuốc thực sự khiến họ phải khốn đốn. Tuy nhiên, với không ít người, dịch cúm A như là cơ hội làm giàu “trời cho”.
Đến hẹn lại lên, vài năm gần đây cứ vào mùa cúm A là giá thuốc Tamiflu lại “rủ nhau” tăng vọt, thậm chí có nơi đội giá lên gấp 4 gấp 5 lần. Tuy nhiên, với những gia đình có người thân được chẩn đoán mắc cúm A, thuốc có giá “cắt cổ” cũng không đáng sợ bằng việc không có thuốc để mua, bởi có không ít trường hợp đã được bác sĩ kê đơn nhưng đã đi đến 4,5 quầy thuốc vẫn nhận được cái lắc đầu khi hỏi mua Tamiflu.
Dạo một vòng quanh mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều câu chuyện bi hài của mùa cúm A, được chia sẻ.
“Cúm A làm mẹ béo toang rồi ông giáo ạ”, là tâm sự hóm hỉnh của chị N.N.H, khi phải chi gần 5 triệu đồng chỉ để thăm khám và mua thuốc chữa cúm cho một người thân. Đáng nói hơn, theo chia sẻ của chị H, phải lùng sục gần 10 hiệu thuốc mới mua được Tamiflu và cũng với mức giá trên trời: 1,5 triệu đồng cho 10 viên, vị chi là 150.000 đồng/viên, mức giá này chênh hơn 3 lần so với giá Tamiflu kê khai tại Cục Quản lý Dược với mức 45.000 đồng/viên.
Đồng cảnh ngộ với chị N.N.H, một cư dân mạng khác là chị H.V cũng không giấu nổi sự bức xúc về tình trạng thiếu thuốc và việc các nhà thuốc tư nhân đẩy giá lên gấp 4, gấp 5 lần. Theo bài chia sẻ trên mạng xã hội của chị H.V, giá thuốc Tamiflu ngày thường chỉ 48.000 đồng/viên; vào đầu mùa dịch cúm tăng lên 80.000 đồng/viên; và ở thời điểm chia sẻ bài viết có nơi đã đẩy giá thuốc lên 300.000 đồng/ viên. Cùng với đó, chị H.V cũng tỏ ra bức xúc với cách giải thích lý do tăng giá Tamiflu rất vô lý của một nhà thuốc: “Thì thị trường tăng bắt buộc mình phải tăng”.
“Lợi dụng dụng lúc dịch cúm A thu lời quá cao, chặt chém không thương tiếc, nhà thuốc bán Tamiflu đến 100.000 đồng/ viên”, là câu chuyện bức xúc của anh N.P.M khi phải mua 5 viên thuốc Tamiflu với giá cắt cổ.
Dù phải nhận ấm ức vì mua phải mua thuốc giá cao nhưng có vẻ chị N.N.H và chị H.V hay anh N.P.M vẫn còn may mắn hơn nhiều người đang khốn đốn vì tìm đỏ mắt vẫn chưa ra thuốc. Thậm chí, nhiều người phải nhờ đến mạng xã hội để hỏi mua “từng viên thuốc”, điển hình là trường hợp của anh L.T.L: Bất lực khi tìm Tamiflu ở quầy thuốc và phải hỏi mua trên hội nhóm của cộng đồng dân cư ở khu đô thị.
Với những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cúm A, tình trạng khan thuốc thực sự khiến họ phải khốn đốn. Tuy nhiên, với không ít người, dịch cúm A như là cơ hội làm giàu “trời cho”. Chỉ cần nhập vài từ khóa liên quan đến thuốc Tamiflu trên thanh tìm kiếm của mạng xã hội, không khó để tìm thấy các dịch vụ bán thuốc Tamiflu online. Đáng chú ý là người bán chủ yếu đều không phải là dược sĩ hay nhân viên quầy thuốc, mà là những người kinh doanh theo “phong trào”.
Trong khi nhiều bệnh nhân đang “đỏ mắt” tìm mua thuốc Tamiflu thì chủ nhân của bài đăng này lại sẵn thuốc số lượng lớn và nhận ship tại nhà. Thật khó hiểu khi Tamiflu là một loại thuốc bán theo đơn nhưng lại được các “chủ shop” này rao bán một cách đại trà như giày dép, áo quần.
Nhắc đến hàng xách tay, chúng ta thường quen với các mặt hàng túi xách, đồng hồ, điện thoại, máy tính nhưng trong thời buổi Tamiflu “đắt như tôm tươi”, không ít chủ shop còn có hẳn dịch vụ xách tay loại thuốc điều trị cúm A này về từ nước ngoài.
Minh Nhật