1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM: Những sai phạm “động trời” trong mua sắm dược liệu

(Dân trí) - Bất chấp quy định của luật Đấu thầu, tất cả hồ sơ tham gia dự thầu dù không đáp ứng được yêu cầu nhưng bệnh viện Y học Cổ truyền vẫn duyệt “đạt”. Sai phạm tiếp sai phạm, khi người bệnh đã... dùng hết những lô dược liệu kém chất lượng này.

Tất cả hồ sơ dự thầu đều không đạt

Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết luận thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm dược liệu tại bệnh viện Y học Cổ truyền. Theo đó, từ năm 2013 đến 2015 bệnh viện đã thực hiện 3 gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền do bệnh viện làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các khoản thu hợp pháp.

Năm 2013, bệnh viện thực hiện mua sắm dược liệu chưa sơ chế và dược liệu đã sơ chế với tổng giá trị gói thầu hơn 26,7 tỷ đồng và đến năm 2014 và 2015 là hơn 36,8 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu rộng rãi, một túi hồ sơ.

Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM nơi bị thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm trong đấu thầu
Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM nơi bị thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm trong đấu thầu

Khi triển khai gói thầu, chủ đầu tư đã không đăng kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu công khai theo quy định trên các kênh thông tin của cơ quan quản lý nhà nước; tùy tiện thay đổi tư cách nhà thầu trước thời điểm đóng thầu; hồ sơ mời thầu (phụ lục 4) dược liệu chưa chế biến và (phụ lục 5) dược liệu đã chế biến không nêu nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Mặt khác, hồ sơ mời thầu không xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm về tài chính trong trường hợp nhà thầu liên danh. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, có thành viên vừa tham gia đánh giá hồ sơ mời thầu vừa thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu với cùng một gói thầu. Dù hồ sơ không có bản cam kết “không bán quá giá kê khai” nhưng vẫn được đánh giá “đạt”. Các thành viên của bệnh viện chưa tuân thủ nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu nên đã bỏ sót nhiều vấn đề liên quan đến tính hợp lệ của hàng hóa, năng lực tài chính, cho phép những doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, chế biến dược liệu (hoặc giấy phép đã hết hạn) tham gia dự thầu...

Theo kết luận thanh tra, tất cả hồ sơ dự thầu của các gói thầu đều không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Vì vậy, tất cả hồ sơ phải bị loại bỏ theo luật Đấu thầu và hủy đấu thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, bệnh viện Y học Cổ truyền đã không tuân thủ luật mà vẫn “nhắm mắt” thực hiện việc mua sắm dược liệu từ các đơn vị không đủ tiêu chuẩn tham gia dự thầu.

Các sai phạm trên, được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh kết luận: trách nhiệm thuộc về giám đốc bệnh viện và các thành viên tham gia đấu thầu, hội đồng đấu thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định của bệnh viện.

Hàng loạt dược liệu không đạt chất lượng, giá cao

Kết luận thanh tra về kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong quá trình nhập, sơ chế, phức chế, sử dụng tại bệnh viện chỉ ra: các dược liệu, vị thuốc khi được cung ứng vào bệnh viện đều có phiếu kiểm nghiệm chất lượng. Trong quá trình nhập, sử dụng nếu có nghi ngờ bệnh viện sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm hoặc gửi mẫu kiểm nghiệm. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm định kỳ hàng năm của Viện Kiểm nghiệm thành phố, Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm thành phố đã phát hiện nhiều mẫu dược liệu, vị thuốc không đạt chất lượng.

Nhiều người bệnh điều trị tại bệnh viện Y học Cổ truyền đã sử dụng phải thuốc không đạt chất lượng
Nhiều người bệnh điều trị tại bệnh viện Y học Cổ truyền đã sử dụng phải thuốc không đạt chất lượng

Cụ thể, năm 2014, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thành phố cho thấy 7/17 mẫu lấy tại bệnh viện không đạt (đảng sâm, thổ phục linh, hoa hòe, hoàng bá, thăng ma, hoàng kỳ).

Năm 2015, bệnh viện gửi 2 mẫu kiểm tra thì có 1 mẫu (đảng sâm) không đạt. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm thành phố cho thấy 1/88 mẫu không đạt (đảng sâm); còn kết quả của Viện Kiểm nghiệm thành phố là 5/11 mẫu không đạt (thổ phục linh (2 mẫu), ích mẫu, củ mài, bồ công anh).

Tuy nhiên, khi bệnh viện nhận được kết quả kiểm nghiệm thì một số dược liệu xác định không đạt chất lượng đã bị sử dụng hết. Bệnh viện đã mang trả lại một số sản phẩm không đạt cho nhà cung ứng, chỉ có duy nhất 3,2kg bồ công anh đang niêm phong tại kho của bệnh viện chờ tiêu hủy.

Kết luận thanh tra giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trúng thầu chỉ ra: giá dược liệu trúng thầu (đã sơ chế hoặc chưa sơ chế) đều thấp hơn giá kế hoạch (thấp nhất 77%, cao nhất 93%). Tuy nhiên khi so sánh giá trúng thầu tại bệnh viện với giá nhập đầu vào của nhà thầu (giá từ Công ty TNHH đông dược Hòa Phú, Công ty Cổ phần dược Trung ương Mediplantex đến bệnh viện) thì giá trúng thầu chênh lệch cao nhất gấp 1,5 lần.

So sánh giá trúng thầu tại bệnh viện với giá đầu vào của nhà thầu theo hình thức “sang tay” từ Công ty TNHH Thiên Ân Dược đến cửa hàng dược liệu Hòa Phú đến Công ty TNHH đông dược Hòa Phú rồi bán vào bệnh viện thì chênh lệch cao nhất so với giá đầu vào của đơn vị kinh doanh đầu tiên lên tới 146 lần.

Trước sự chênh lệch quá lớn về giá nói trên, Sở Y tế thành phố kiến nghị Bộ Y tế cần xây dựng bảng giá tham khảo của các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, đăng tải trên các trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y học Cổ truyền. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan khi xây dựng giá kế hoạch sẽ lựa chọn nhà thầu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không được cao hơn bảng giá tham khảo.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm