Bệnh viện Việt Đức giảm mạnh số ca nặng, ca tử vong do tai nạn giao thông
(Dân trí) - Hai tuần đầu năm, số ca tai nạn giao thông (TNGT) đến Bệnh viện Việt Đức có sự thay đổi rõ rệt so với cùng kỳ 2024. Theo đó, số ca nặng, buộc phải mổ cấp cứu, tử vong do TNGT đều giảm xuống.
Giảm gần một nửa số ca phải mổ do TNGT
TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống; Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, 2 tuần đầu năm, kể từ thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, cho thấy, các ca nặng do TNGT giảm xuống rõ rệt.
"Về số lượng nhập viện do TNGT, con số không thay đổi. Hai tuần đầu năm 2024, có 738 người đến khám, trong khi đó 2 tuần đầu năm nay, số bệnh nhân đến vì TNGT là 756 người.
Tuy nhiên, đánh giá mức độ nặng cho thấy có sự thay đổi, thể hiện, số lượng người bệnh phải mổ cấp cứu những chấn thương bắt buộc phải xử lý ngay lập tức sau tai nạn giảm xuống.
Cụ thể, trong số nhập viện 2 tuần đầu năm 2024, 100% trường hợp phải phẫu thuật. Trong khi đó, trong tổng 756 người nhập viện vì TNGT trong 2 tuần đầu năm nay, số ca phải phẫu thuật là 458 ca. Qua đó đánh giá số lượng người bệnh bị tai nạn nặng phải mổ cấp cứu do tai nạn giảm đáng kể", TS Hùng thông tin.
Lý giải về số lượng ca TNGT đưa đến viện là tương đương cùng kỳ năm 2024, TS Hùng cho biết, do Bệnh viện Việt Đức là Bệnh viện ngoại khoa đặc biệt tuyến cuối, nên số bệnh nhân đến khám, bệnh nhân nặng chuyển về từ các tuyến lên luôn rất lớn.
"Cái nhìn rõ nhất, đó là số ca nặng giảm xuống, số ca tử vong cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái", TS Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông giảm rõ rệt. TS Hùng cho biết, trước đây, trong số bệnh nhân TNGT nhập Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ người bệnh có nồng độ cồn trong máu lên đến 50%. Từ khi thực hiện nghị định 100, tỷ lệ nồng độ cồn chỉ còn 12,83%.
Trước đây, có những trường hợp bệnh nhân TNGT vào viện, nồng độ cồn rất cao, bệnh nhân mất hoàn toàn ý thức, tri giác, nên bác sĩ rất khó có thể đánh giá người bệnh do uống rượu hay do chấn thương sọ não; việc hỏi bệnh để đánh giá cũng khó hơn.
Nhất là ở bệnh viện tuyến dưới, khi không có các máy chụp CT sọ não, các xét nghiệm chuyên sâu rất khó đánh giá, thì nay, các ca này rất hiếm gặp.
Các ca TNGT gặp ở nam nhiều hơn ở nữ. Đặc biệt, khi đánh giá nồng độ cồn trong máu, trường hợp có nồng độ cồn trong máu đa phần là nam.
"Nồng độ cồn trong máu sẽ khiến người lái xe mất ý thức kiểm soát, độ nhanh nhạy, an toàn… dẫn đến tai nạn và thường rất nặng", TS Hùng đánh giá.
Chú ý các thời điểm dễ xảy ra tai nạn trong dịp Tết
Theo các bác sĩ, Nghị định 168/2024/NĐ-CP giúp người tham gia giao thông ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi lái xe, giảm tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ dễ gây tai nạn nguy hiểm cho người khác.
Nhất là vào dịp Tết, năm nào cũng vậy, khi số người tham gia giao thông tăng lên, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn cao hơn ngày thường.
"Theo kinh nghiệm trực cấp cứu của chúng tôi, như đêm giao thừa, khi người dân đi đón giao thừa, lúc đi là khoảng lặng, số ca tai nạn bắt đầu đưa đến bệnh viện tầm 4-5h sáng tăng lên, từ cả các tuyến dưới chuyển lên", TS Hùng nói.
Ngoài ra, trong các ngày người dân bắt đầu di chuyển từ các thành phố về quê nghỉ Tết, ngày người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ, mật độ giao thông tăng, để giảm nguy cơ tai nạn, việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông rất quan trọng.
"Mọi người cần đi đúng luật, giữ khoảng cách, tốc độ, tránh tâm lý hối hả, vội vàng. Trước mỗi đợt di chuyển xa, buổi tối nên ngủ sớm, đủ giấc, không uống bia rượu... để giữ được trạng thái tinh thần và thể chất khỏe mạnh, tỉnh táo, giúp lái xe an toàn", TS Hùng khuyến cáo.
Chuyên gia này cũng hy vọng trong dịp Tết này, với việc thực hiện Nghị định 168, ý thức chấp hành giao thông của người dân ngày càng nghiêm túc hơn, số ca TNGT giảm xuống.
Tại Bệnh viện Việt Đức, Ban giám đốc cũng đã lên các phương án kế hoạch trực Tết. Theo đó, ngoài đảm bảo đầy đủ các ekip trực cấp cứu đầy đủ 24/24h tại bệnh viện với đủ các chuyên khoa, bệnh viện còn tổ chức các đội trực dự bị, nếu xảy ra tình trạng quá tải; tai nạn số lượng lớn; cấp cứu thảm họa... sẽ ứng trực ngay.
Đội dự bị, trong ngày trực chỉ được phép ở Hà Nội, nếu phát sinh tình huống, sau 15-30 phút có lệnh gọi bắt buộc phải có mặt tại bệnh viện.
Bệnh viện cũng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trong trường hợp có ca nặng không thể chuyển tuyến; hệ thống hội chẩn từ xa luôn sẵn sàng...