Lào Cai:

Bệnh viện tìm cách “giữ chân” bác sĩ

(Dân trí) - Chỉ từ đầu năm đến nay đã có 2 bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng tại BV Đa khoa Lào Cai (trong đó có một người là trưởng khoa) xin nghỉ việc, bỏ quê lên phố. Để “giữ chân” các bác sĩ giỏi, bệnh viện không chỉ có chính sách tốt, mà còn phải nhờ đến pháp luật tư vấn, ràng buộc trước khi cử các bĩ đi đào tạo.

Thu nhập cao, bác sĩ vẫn bỏ quê lên phố

BS Phạm An Hùng, Giám đốc BV Đa khoa Lào Cai cho biết, từ đầu năm đến giờ, Ban giám đốc BV “ngẩn ngơ” vì mất đi 2 bác sĩ giỏi. Cả hai bác sĩ này có mức thu nhập trung bình trên dưới 20 triệu, cống hiến nhiều năm ở BV nhưng cuối cùng cũng bỏ núi về xuôi.

Đó là bác sĩ trưởng khoa Tai mũi họng của bệnh viện, anh đã gắn bó với bệnh viện 14 năm nên cũng hết thời gian có ràng buộc sau đào tạo. Một bác sĩ khác cũng ở khoa Tai mũi họng, sau khi được cử đi học một khóa nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết Trung ương, anh cũng ở lại ngay nơi được cử đến khi học xong.


Khám cho bệnh nhân tại BV Đa khoa Lào Cai. Ảnh: H.Hải

Khám cho bệnh nhân tại BV Đa khoa Lào Cai. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, khoa Tai mũi họng là một trong những khoa có lượng bệnh nhân rất ổn định, công xuất giường bệnh luôn đạt 100%, có lúc bệnh nhân vượt gần gấp đôi số giường hiện có (30 giường bệnh).

Theo BS Nguyễn Mạnh Đức, Trưởng khoa truyền nhiễm, kiêm phó phòng Tổ chức cán bộ, cả hai bác sĩ này đếu có thu nhập ở mức cao so với mặt bằng tại tỉnh Lào Cai. Thế nhưng, nếu so với các bệnh viện khác ở thành phố thì khó đạt. Vì thế, khi BS đã quyết tâm đi, BV không có cách nào giữ được. Thậm chí, có bác sĩ còn xin nghỉ việt, đồng ý nộp phạt gấp đôi, “cắt đứt” mọi quan hệ, ràng buộc rồi về dưới xuôi.

BS Chuyên khoa II Hoàng Văn Hiếu, Phó Giám đốc BV Đa khoa Lào Cai chia sẻ, đó là thực trạng mà BV Lào Cai những như nhiều BV công khác đang phải đối mặt, khi mà đang có nhiều cơ sở y tế mới được mở ra, với nhiều cơ chế thu hút rất hấp dẫn.

BS Hoàng Văn Hiếu cho biết, BV đã nhờ sự tư vấn của luật sư để có sự ràng buộc khi cử bác sĩ đi đào tạo, đảm bảo vẫn về BV phục vụ. Ảnh: H.Hải
BS Hoàng Văn Hiếu cho biết, BV đã nhờ sự tư vấn của luật sư để có sự ràng buộc khi cử bác sĩ đi đào tạo, đảm bảo vẫn về BV phục vụ. Ảnh: H.Hải

Tại BV, hiện với quy mô 600 giường bệnh mới có 150 bác sĩ, vẫn thiếu đến 30 bác sĩ. Trong thời gian tới, khi quy mô giường bệnh tăng lên 1.000 giường vào năm 2020, nhu cầu bác sĩ còn cao nữa, sẽ thiếu khoảng 150 bác sĩ. Đây là con số khó có thể đạt được trong 4 năm nữa.

Vì thế, trước mắt BV đang phải tính cơ chế để ràng buộc khi cử bác sĩ đi đào tạo. Sau khi mất hai bác sĩ, BV đã nhờ sự tham gia của pháp luật, làm sao để có sự tư vấn, giải thích, ký kết giữa bác sĩ và BV, đảm bảo sau khi được đào tạo thì quay về BV phục vụ.

“Tiền đào tạo không phải là cái lớn, mà cái mất lớn nhất khi bác sĩ tại viện đi, đó là là sự dao động với người ở lại. Người ta đi rồi lại “móc nối” những người ở lại, bác sĩ không yên tâm làm việc, ban lãnh đạo thì thấp thỏm BS bỏ việc, rất mệt mỏi. Vì thế chúng tôi mới nghĩ đến sự giúp đỡ, tư vấn của luật pháp”, BS Hiếu nói.

Bên cạnh đó, BV cũng đã đề xuất Lào Cai cần có cơ chế để hút nhân tài và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Hiện nay đang cố gắng mời các bác sĩ đào tạo chính quy tốt nghiệp khá trở lên về bệnh viện. Theo đó, với BS đã là tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 1 lần là 240 triệu, BS chuyên khoa 1 là 100 triệu khi về làm việc tại tỉnh. BS tốt nghiệp loại khá hỗ trợ 60 triệu. Còn nếu tình nguyện làm tuyến huyện, mức hỗ trợ một lần là 120 triệu, về tuyến xã số tiền hỗ trợ tăng lên 140 triệu.

Sẽ kiến nghị vì BV tuyến trên “săn đầu người”

Không giấu nổi sự tiếc nuối khi chỉ trong nửa năm 2016 BV mất đi 2 bác sĩ giỏi, BS Phạm Văn Hùng phàn nàn, khi BV tuyến trên đã “săn đầu người” thì chúng tôi rất khó giữ chân bác sĩ. Nay lại có một bác sĩ nữa đang “rập ròm” theo chân thầy Liêm về ngoại khoa, khiến chúng tôi rất đau đầu khi bác sĩ đã thiếu, lại nhiều người muốn bỏ vùng khó về vùng xuôi.

“Chúng tôi cử bác sĩ đi học nội soi tuyến giáp, học xong các thầy lại nhận, thì làm sao họ về nữa. Họ đã chấp nhận nộp phát gấp đôi, xin nghỉ việc, có muốn giữ cũng không nổi. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Y tế về vấn đề này”, BS Hùng nói.

Cũng theo BS Hùng, làm việc tại BV không chỉ có thu nhập, mà môi trường tại viện rất tốt bởi BV là vệ tinh của BV Bạch Mai, Việt Đức. Rất nhiều kỹ thuật khó đã được chuyển giao, bác sĩ được phát huy hết khả năng của mình.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc bác sĩ BV công xin nghỉ để chuyển sang BV tư có thu nhập cao hơn, hay từ BV nọ về BV kia nhờ các chính sách “hút” nhân tài là vấn đề rất bình thường. Vì thế, các bệnh viện cần có cơ chế, có chính sách để giữ chân bác sĩ giỏi. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở tuyến tỉnh, BS bỏ quê lên phố, mà ngay tại BV tuyến Trung ương cũng là “cuộc chiến” khốc liệt giữ chân bác sĩ.

Tại BV Bạch Mai, BV Việt Đức hay Xanh Pôn đều có tình trạng mất một số bác sĩ về tay các BV tư nhân.

“Thực tế tại BV Bạch Mai, chúng tôi đã mất một số cán bộ y tế khi một bệnh viện tư lớn được thành lập, có những chính sách tốt cho cán bộ y tế. Để giữ chân bác sĩ, Bệnh viện Bạch Mai đã phải có biện pháp thay đổi tạo điều kiện làm việc cho bác sĩ, nhân viên y tế tốt hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.

Vì thế, hiện nay, theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mục đích đầu tiên vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy bệnh nhân làm trung tâm. Chúng tôi lo lắng việc làm sao để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, hài lòng cho người bệnh đồng thời nâng cao sự hài lòng, đời sống của cán bộ. Bởi đã là quy luật cạnh tranh, sẽ có những bệnh viện có những chính sách tốt để “hút” bác sĩ giỏi.

Hồng Hải