1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Thu Cúc: Gắp dị vật cúc áo trong hốc mũi bé gái 4 tuổi

(Dân trí) - Bé N.N.T.V (4 tuổi) được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) với biểu hiện chảy nước mũi một thời gian, thỉnh thoảng kèm ho. Tuy nhiên bé không sốt, tỉnh táo hoàn toàn.

Bệnh viện Thu Cúc: Gắp dị vật cúc áo trong hốc mũi bé gái 4 tuổi - 1
Hình ảnh dị vật bác sĩ Bệnh viện Thu Cúc lấy ra thành công

Mắc dị vật ở mũi: Chuyện không hiếm gặp ở trẻ

Tại phòng khám Tai mũi họng – Bệnh viện Thu Cúc các bác sĩ khám, nội soi, phát hiện hốc mũi của trẻ có dị vật và chỉ định cần phải nội soi gắp dị vật. Khi đưa dụng cụ nội soi vào khoang mũi, các bác sĩ phát hiện dị vật che một phần lớn khoang mũi, khoang mũi bé bị sưng, đỏ, phù nề, ứ dịch lên hòm tai. Dị vật có hình bông hoa tròn, cứng chất liệu nhựa, đường kính khoảng 1,3 cm. Nhờ kinh nghiệm dày dặn, và thao tác khéo léo các bác sĩ lấy dị vật cho bé một cách nhanh chóng, hạn chế tối đa gây tổn thương cho niêm mạc mũi.

Theo phụ huynh của bệnh nhi, bé xuất hiện tình trạng chạy nước mũi được 1 thời gian, tuy nhiên không ốm sốt, vẫn vui chơi hoạt bát như những ngày thường, nhìn bằng mắt thường vào trong mũi thì không thấy có biểu hiện khác thường gì. Gia đình cũng không biết bé bị dị vật ở mũi từ khi nào.

Thống kê trong y tế cho thấy, dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng. Trí tò mò kích thích trẻ tìm hiểu về các sự vật không chỉ bằng cách nắm hay chạm vào chúng mà còn nếm, ngửi, hít, cắn hoặc thậm chí nhét vào mũi của mình những đồ vật như: nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu... đó là lý do tại sao trẻ từ 9 tháng trở ra đến 5 tuổi thường gặp các vấn đề về hóc dị vật, đặc biệt là dị vật mũi.

Bệnh viện Thu Cúc: Gắp dị vật cúc áo trong hốc mũi bé gái 4 tuổi - 2
Bé N.N.T.V được các bác sĩ bệnh viện Thu Cúc khám nội soi và lấy dị vật ở mũi

Cần phải chú ý phòng mọi lúc mọi nơi

Theo bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Dương Văn Tiến – phụ trách phòng khám tai mũi họng bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: Gặp dị vật ở mũi nếu không được lấy ra sớm sẽ gây viêm nhiễm, để càng lâu thì càng tiến triển nặng, tắc một bên mũi, ứ dịch lên tai mũi kèm mùi hôi rất khó chịu, có nhiều trường hợp chảy máu mũi, sốt sốt, quấy khóc, ăn không ngon, mệt mỏi,...

Đặc biệt, nguy hiểm nhất là khi dị vật để quá lâu sẽ bị đẩy sâu vào bên trong gây tổn thương niêm mạc khiến việc tìm kiếm, lấy ra gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm khi bị hóc dị vật. Cần chú ý sát sao đến trẻ, luôn để bé trong tầm mắt của mình, tránh không rơi vào những trường hợp không mong muốn có thể xảy ra. Tuyệt đối không nên cho bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ, dễ làm trẻ tò mò nhét vào mũi, tai hoặc bỏ vào miệng ngậm, nuốt dẫn đến nguy cơ di vật đường thở, đường ăn gây hậu quả đáng tiếc. Dị vật lọt vào thành thực quản để lâu có thể xuyên thủng thành thực quản hoặc tạo ổ nhiễm trùng vỡ vào trung thất. Đây là khoang chứa phổi, tim, là các cơ quan đảm bảo sinh tồn nên khi bị dị tật xâm nhập gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Cảnh báo: Khi phát hiện ra những bất thường của trẻ, ba mẹ cần hết sức bình tĩnh và trấn an trẻ. Dị vật có thể vào sâu hơn khi bạn cố gắng lấy hoặc gắp nó ra khi không có kỹ thuật.

Nếu dị vật nằm ở lỗ mũi và bạn nhìn thấy rõ nó, trong trường hợp trẻ lớn biết nhận thức, ba mẹ nên hướng dẫn để trẻ xì ra ngoài. Nếu bạn không thể thấy rõ dị vật vì nó nằm sâu bên trong, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để lấy dị vật ra bằng những dụng cụ chuyên môn. Vào thời điểm này, sự can thiệp y tế kịp thời là rất quan trọng. Phản ứng chậm trễ có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Trong nhiều trường hợp dị vật ở sâu trong mũi, không thể thấy bằng mắt thường, trẻ cũng không có biểu hiện đặc biệt như: sốt cao, mệt mỏi,… thì ba mẹ thấy con có biểu hiện chảy nước mũi kéo dài nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn, uy tín. Tránh chủ quan có thể gây ra nhiều biến chứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm