1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW trước nguy cơ đóng cửa vì... hết thuốc tê

Nam Phương

(Dân trí) - "Còn 2 tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao vì 2/3 dịch vụ ngoại trú có sử dụng thuốc tê", Phó Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) cho biết.

Chiều 16/9, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022 với chủ đề Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại. 

Phát biểu tại lễ mít tinh TS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) xin phép được kêu về tình trạng thiếu thuốc tê tại cơ sở. 

Theo ông, tại bệnh viện có 2 nhóm thuốc sử dụng chính là thuốc kháng sinh và thuốc tê. Với thuốc kháng sinh, quan điểm của bệnh viện là hạn chế tối đa, chỉ sử dụng khi cần thiết. Vì thế, trong thời gian qua tại cơ sở không xảy ra tình trạng thiếu thuốc kháng sinh. 

Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW trước nguy cơ đóng cửa vì... hết thuốc tê - 1

TS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội).

Với thuốc tê, theo TS Hà ngoài sử dụng thuốc an toàn, nhân viên y tế cũng có nhiệm vụ làm thế nào để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để thay thế loại thuốc đang dùng mà đã hết. 

"Chúng tôi vừa được báo lại là 2 tuần nữa sẽ hết thuốc tê. Với cơ sở răng hàm mặt như chúng tôi nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao. Vì có quá nửa thậm chí 2/3 dịch vụ ngoại trú của chúng tôi đều phải sử dụng thuốc tê", TS Hà cho biết. 

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này. 

"Hiện nay, theo các công ty dược là do giấy phép chưa được gia hạn. Vì thế, các cơ sở y tế kể cả công lập và tư nhân đều thiếu. Vấn đề thiếu thuốc trước đây chỉ gặp ở cơ sở công lập là chính, tư nhân vẫn mua được nhưng nay thì cả tư nhân cũng thiếu", TS Hà chia sẻ.

Vì thế, sắp tới vấn đề cung ứng thuốc sẽ rất khó khăn. Bệnh viện mong cơ quan quản lý sớm có giải pháp tháo gỡ. 

Theo ông, thời gian để từ khi công ty đăng ký nhập cho đến khi về được Việt Nam thì phải mất đến 3-4 tháng. Lý do vì nhà máy sản xuất cho nước nào phải có kế hoạch trước chứ không thể lấy thuốc xuất sang Ba Lan sang bán cho Việt Nam được vì liên quan đến vấn đề nhãn mác, luật… 

Hiện nay, chỉ có 2-3 hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó. 

Câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế không mới. Trước đây, tình trạng này vẫn xảy ra nhưng chỉ nhỏ lẻ, ở chỗ này, chỗ kia tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn.

Các chuyên gia cho rằng thực trạng thiếu thuốc, vật tư tại các bệnh viện là ảnh hưởng dây chuyền của các khó khăn mà ngành y tế gặp phải. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như đấu thầu chậm, nguồn hàng quen bị gián đoạn chưa kịp phục hồi sau Covid-19, việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc men, vật tư y tế…