Bệnh viện nhi thiếu nghiêm trọng thuốc giải độc

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) thuộc tuyến cuối, là nơi tiếp nhận cấp cứu chữa trị cho những trường hợp bệnh nặng mà các bệnh viện tuyến đầu "bó tay". Thế nhưng, lâu nay tại đây đã rất thiếu một số loại thuốc giải độc, cấp cứu rất cần cho bệnh nhi.

Tuyến dưới - Chuyển tuyến vì không có thuốc

 

Hôm 24/4, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận cấp cứu, giành giật lại sự sống cho bệnh nhi N.T.M.L. (8 tuổi, ngụ ở xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Bé L. vào viện trong tình trạng rất nguy kịch: suy hô hấp, thiếu oxy não, rối loạn tri giác, lơ mơ, mắt trợn ngược... do ngộ độc độc tố có trong khoai mì là axit cyanhydric. L. được bệnh viện tuyến dưới chuyển với lý do "vượt quá khả năng". Thực tế, bệnh viện tuyến dưới không có thuốc cấp cứu để giải được độc tố nói trên.

 

Trước đó, hôm 28/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận, cứu sống 2 bệnh nhi là T.T.B.H (4 tuổi) và T.V.H (7 tuổi) - cùng ngụ ở tỉnh Bình Dương, cũng bị nhiễm độc tố khoai mì tương tự. Hai bệnh nhi này do Bệnh viện Bình Dương chuyển đến, vì lý do không có thuốc giải độc, mặc dù đã chẩn đoán đúng là cả hai bị ngộ độc khoai mì cao sản.

 

Một trường hợp khác, bệnh nhi N.T.D (3 tuổi, ngụ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị rắn chàm quạp cắn gây rối loạn đông máu, sưng tím cả hai chân, cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cách đây mấy hôm, vì bệnh viện tuyến dưới không có huyết thanh kháng nọc rắn để chữa trị cho bé!

 

Đó chỉ là 3 bệnh nhân gần đây nhất mà Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận, trong số nhiều trường hợp tương tự diễn ra thường xuyên, mà nguyên nhân chính là do các bệnh viện tuyến dưới không có thuốc giải độc, cấp cứu.

 

Tuyến trên – Cứu người bệnh bằng thuốc trôi nổi

 

Khi tìm hiểu vấn đề, chúng tôi được biết thêm: Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không thể có đủ nguồn thuốc dành cho các trường hợp nói trên, nếu như các bác sĩ không linh động tự đi tìm mua ngoài thị trường, hay... xin nhượng lại của một đơn vị sản xuất dùng trong nội bộ! Như bác sĩ Bạch Văn Cam (Trưởng khối Hồi sức - cấp cứu) và đồng nghiệp phải tìm mua một số thuốc giải độc cần thiết ngoài thị trường.

 

Còn huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp phải xin nhượng lại của một đơn vị nghiên cứu sản xuất dùng trong nội bộ tận ngoài Hà Nội. Do là thuốc sản xuất dùng nội bộ, không có số đăng ký nên bệnh viện không thể mua được theo hệ thống chính như các loại thuốc khác, mà phải tự xuất tiền mua riêng để có mà điều trị cho bệnh nhi! Còn huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo (một loại rắn cực độc) thì đến nay vẫn không nơi nào trong nước sản xuất, thuốc nhập cũng không, nếu có bệnh nhi bị loại rắn này cắn vào, thì chỉ biết điều trị triệu chứng, biến chứng mà thôi!

 

Bác sĩ Bạch Văn Cam nói: "Nguồn thuốc có được như thế nên không ổn định, nhiều khi bị đứt quãng. Đây là những loại thuốc không sử dụng nhiều như kháng sinh, dịch truyền, tuy nhiên rất cần thiết và rất hiệu quả trong việc giành lại mạng sống cho bệnh nhi khi gặp chuyện. Chẳng hạn như thuốc sodium thiosulfate giải độc tố axit cyanhydric rất hiệu quả, chỉ cần tiêm 1 ống là cứu sống được bệnh nhi, còn nếu không có thuốc giải thì trẻ sẽ chết... Chỉ những người trực tiếp làm công tác cấp cứu, đối diện giữa sự sống và cái chết hằng ngày như chúng tôi thì mới thấy bức xúc về nguồn thuốc cấp cứu!".

 

Những loại thuốc giải độc, thuốc cấp cứu nói trên không hề đắt tiền, như sodium thiosulfate chỉ khoảng 20 ngàn đồng/ống. Thế nhưng, có phải vì chúng không được tiêu thụ với số lượng lớn như các loại kháng sinh, kháng viêm, dịch truyền..., không đem lại lợi nhuận cao nên các công ty dược không quan tâm?

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên