Bệnh ung thư thách thức điều trị, đe dọa quỹ Bảo hiểm Y tế

(Dân trí) - Tỷ lệ bệnh nhân mới mắc ung thư tăng nhanh đã để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bên cạnh ngành Y tế đang phải căng mình đối phó, sự an toàn của quỹ Bảo hiểm Y tế cũng bị đe dọa vì mức chi cho bệnh ung thư gia tăng từng năm.

Ung thư là vấn đề toàn cầu, hiện đang là nguyên nhân gây ra tử vong cao thứ hai chỉ sau các căn bệnh về tim mạch. Theo “nghiên cứu về gánh nặng toàn cầu của các căn bệnh” thì ung thư chiếm khoảng 21% các ca tử vong trên thế giới, tỷ lệ này cao hơn cả tử vong do HIV/AIDS, lao và sốt rét công lại.

Bệnh nhân ung thư nằm điều trị dưới gầm giường tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM

Bệnh nhân ung thư nằm điều trị dưới gầm giường tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM

Các căn bệnh ung thư (hầu hết là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày và gan) đang gia tăng với tốc độ đáng báo động tại các nước châu Á. Theo dự báo của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globocan) đến năm 2020 toàn cầu sẽ có thêm 20 triệu người mắc mới ung thư mỗi năm và 70% trong số đó sẽ rơi vào các nước đang phát triển.

Trong Hội thảo về bệnh ung thư và vấn đề Bảo hiểm Y tế, BS Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho biết, ung thư đang là bệnh tiêu tốn nhiều tiền của, thời gian, công việc, sinh mạng bậc nhất tại Việt Nam. Bệnh ung thư không có dấu hiệu dừng lại mà đang tiếp tục tăng, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 16.000 ca mới mắc, trong đó hơn 50% bệnh nhân tử vong.

 

Các loại ung thư thường gặp ở nước ta là gan, phổi, vú, cổ tử cung, trực tràng, bao tử,… đang tăng nhanh theo từng năm. Theo BS Nguyễn Xuân Dũng, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư được phát hiện ngày càng nhiều như hiện nay một phần là do sự phát triển của y học cùng các phương tiện chẩn đoán hiện đại. Tuy nhiên, nguyên nhân gia tăng của bệnh cũng có thể là do sự biến đổi khí hậu, sự tác động tiêu cực từ môi trường sống bị ô nhiễm.

 

Riêng tại TPHCM trong vòng 5 nằm từ 2005-2010 cho thấy, có khoảng 5.000 - 5.500 ca mắc ung thư mới mỗi năm. Bệnh ung thư đang gây áp lực lên lĩnh vực điều trị, mỗi năm tại bệnh viện Ung Bướu phải tiếp nhận 13.000 trường hợp mắc mới (cả TPHCM và các tỉnh thành lân cận) tổng số ngày điều trị nội trú và ngoại trú lên tới 544 nghìn ngày. Hầu hết các bệnh nhân ung bướu điều trị hiện nay đều phụ thuộc vào Bảo hiểm Y tế vì chi phí điều trị quá lớn. Hiện nay 76% tổng thu tại bệnh viện Ung Bướu là từ bảo hiểm Y tế.

 

Bệnh ung thư tăng cao khiến việc đào tạo nguồn nhân lực không kịp đáp ứng, các bệnh viện tuyến dưới vừa thiếu nhân lực vừa thiếu trang thiết bị nên bệnh nhân đa phần đều dồn lên tuyến trên điều trị. Việc điều trị ung thư muốn đạt hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân đòi hỏi ngành y tế phải liên tục đầu tư các trang thiếu bị hiện đại từ xét nghiệm chẩn đoán đến phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, các loại phương tiện hiện đại này độ hao mòn lớn nên thời gian sử dụng chỉ tính bằng năm.


Ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội
Ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội

Mỗi bệnh nhân ung thư đang để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội, theo ước tính chi phí điều trị của bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu cho thấy: một bệnh nhân bị ung thư vú được phát hiện và điều trị giai đoạn sớm thì chi phí điều trị trước và sau mổ, xạ trị và dùng thuốc nhắm trúng đích trong một năm… tiêu tốn khoảng 650-700 triệu đồng; ung thư cổ tử cung (giai đoạn sớm, điều trị triệt để) việc điều trị cũng tổn khoảng 50 triệu đồng; ung thư đại trực tràng - dạ dày tiêu tốn hơn 200 triệu đồng; ung thư gan điều trị tốn tới 800 triệu đồng…

 

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: “Bệnh ung thư đang gây áp lực đối với Bảo hiểm Y tế, số tiền chi trả cho bệnh nhân ung thư đang tăng lên từng năm, nếu năm 2012 tổng mức chi cho 10 bệnh ung thư có chi phí cao nhất mới chỉ là 2.368 tỷ đồng thì đến năm 2013 mức chi đã tăng lên 3.374 tỷ đồng. Trong bối cảnh Bảo hiểm Y tế toàn dân chưa thực hiện được, Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động còn chưa bao phủ hết thì những khoản chi khổng lồ cho bệnh nhân ung thư đang đe dọa đến an toàn của Quỹ bảo hiểm Y tế.

 

Theo BS Nguyễn Xuân Dũng để giảm gánh nặng ung thư thì việc phòng ngừa là yếu tố tiên quyết. Điều trị cho bệnh nhân ung thư quá tốn kém, việc điều trị cho bệnh nhân hiện nay đang lệ thuộc chủ yếu vào Bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên, thanh toán bảo hiểm y tế của bệnh viện còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho phía bệnh viện và bệnh nhân.

 

BS Nguyễn Xuân Dũng đề nghị bảo hiểm Y tế cần phải đảm bảo được quyền lợi, công bằng với các khoản chi trả rõ ràng, dễ hiểu để người bệnh biết được mình được chi trả những khoản nào và không được chi trả khoản nào. Trên cơ sở đó, người bệnh sẽ cân đối để lựa chọn gói điều trị hợp lý nhất, tránh tình trạng “đứt gánh giữa đường” của bệnh nhân trong quá trình điều trị.

 

Vân Sơn