Bệnh ung thư ngôi sao Dortmund mắc phải nguy hiểm như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Dortmund xác nhận tân binh đắt giá của họ, Sebastien Haller đã được chẩn đoán mắc ung thư tinh hoàn.

"Tiền đạo Sebastien Haller buộc phải rời khỏi trại tập luyện của BVB ở Bad Ragaz, Thụy Sĩ, sớm hơn vì bị ốm và đã có mặt tại Dortmund", câu lạc bộ thông báo trên trang chủ.

Sebastien Haller gia nhập Dortmund từ Ajax sau một mùa giải 2021/22 ấn tượng. Cầu thủ người Bờ Biển Ngà ghi được tới 11 bàn thắng chỉ trong 8 trận đấu.

Bệnh ung thư ngôi sao Dortmund mắc phải nguy hiểm như thế nào? - 1

Dortmund xác nhận tân binh đắt giá của họ, Sebastien Haller đã được chẩn đoán mắc ung thư tinh hoàn.

Vậy căn bệnh ung thư tinh hoàn cầu thủ này mắc phải nguy hiểm như thế nào?

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư tinh hoàn?

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nguyên nhân ung thư tinh hoàn hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn mà bệnh nhân thường tự sờ thấy trên lâm sàng.

Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn bao gồm:

- Người có tinh hoàn ẩn: Bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra gọi là bệnh "tinh hoàn ẩn". Ở những người bị tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.

- Có người thân trong gia đình bị ung thư tinh hoàn: Những người có cha hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

- HIV: Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.

- Tiền sử ung thư tinh hoàn: Khoảng 3% đến 4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại.

- Chủng tộc: Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở đàn ông da trắng cao gấp 4 đến 5 lần so với đàn ông da đen và châu Á

Triệu chứng bệnh ung thư tinh hoàn

Dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng sau:

- Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới.

- Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu.

- Có thể nổi hạch vùng bẹn.

- Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng).

- Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn).

Điều trị ung thư tinh hoàn như thế nào?

Việc điều trị ung thư tinh hoàn để đạt hiệu quả cao cần dựa vào mức độ của bệnh ở giai đoạn nào và sự xâm lấn của khối u mà bác sĩ điều trị sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau.

Hiện nay có 3 phương pháp cơ bản điều trị ung thư tinh hoàn là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào loại ung thư (u dòng tinh, u không phải dòng tinh) và giai đoạn của bệnh.

U dòng tinh 

- Là loại u nhạy cảm với xạ trị.

- Giai đoạn đầu bệnh nhân được xạ trị vào vùng dưới cơ hoành, chủ yếu vào hạch chậu bẹn, hạch cạnh động mạch chủ.

- Giai đoạn sau có thể sử dụng hóa chất bổ trợ.

U không phải dòng tinh

 - Phẫu thuật kèm theo vét hạch được áp dụng trong trường hợp khối u nhỏ là ung thư không phải dòng tinh.

- Xạ trị nếu u đã lan sang các hạch bạch huyết lân cận.

- Hóa trị nếu bệnh đã di căn xa.

Khoảng 90% các ca mới chẩn đoán ung thư tinh hoàn là chữa khỏi được. Đối với trường hợp phát hiện sớm và chỉ bị ung thư một bên tinh hoàn, thì phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là tối ưu nhất.