Bệnh trái rạ - Thời điểm thích hợp để tiêm ngừa
(Dân trí) - Bệnh Trái rạ (hay còn gọi là bệnh thuỷ đậu) không đơn thuần là một bệnh lành tính mà là một bệnh rất dễ lây lan và lây lan nhanh, có thể gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng vắc xin.
Gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh Trái Rạ do siêu vi khuẩn Varicella-Zoster gây ra. Khi khởi phát người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo động nào. Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”.
Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em Trái rạ thường kéo dài khoảng 5-10 ngày và bị buộc phải nghỉ học để tránh lây lan.
Thông thường Trái rạ là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho trẻ như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, Nhiễm trùng nốt rạ, Viêm mô tế bào, Viêm Gan…một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng nốt rạ có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẫm sinh sau này. Một biến chứng muộn thường gặp của Trái rạ là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh Giời leo, đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Bệnh Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt…
Lây từ mẹ sang con khi mang thai
Khoảng 90% những người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị Trái rạ trong gia đình sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh. Trái rạ có thể lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người bệnh khi họ hắt hơi, nhảy mũi hoặc ho, hoặc lây lan do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường…bị ô nhiễm bởi chất dịch từ bóng nước hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Ngoài ra Trái rạ còn có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.
Bệnh có thể lây từ 1 - 2 ngày trước khi nổi mụn nước cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Do đặc điểm dễ lây lan nên trường học, nhà trẻ, doanh trại quân đội, các cơ quan, đơn vị làm việc tập thể… là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch Trái rạ. Để tránh lây lan cho những người xung quanh, người bị bệnh Trái rạ cần phải nghỉ học hoặc nghỉ làm việc khoảng 1 tuần kể từ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.
Có thể phòng ngừa
Căn bệnh này hoàn toàn có thể được chủ động phòng tránh bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Việc tiêm ngừa có hiệu quả trong việc phòng bệnh và tránh được những biến chứng của bệnh về sau như bệnh Zona. Vắc xin Trái rạ được khuyên dùng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở đi và cho tất cả những ai chưa từng bị trái rạ. Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu (vì một cơn bệnh hoặc vì thuốc) nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm ngừa.
Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, tiêm ngừa Trái rạ cần được thực hiện trước khi dịch bệnh bùng phát. Ở nước ta bệnh Trái rạ lưu hành quanh năm nhưng thời điểm mắc bệnh Trái rạ nhiều nhất là vào cuối mùa mưa - đầu mùa khô tức là khoảng tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Do đó để chủ động phòng chống bệnh Trái rạ chúng ta cần phải tiêm ngừa sớm vào thời điểm mà dịch bệnh chưa xảy ra. Và đây là thời điểm thích hợp.
Từ trước đến nay người dân thường có thói quen khi thấy dịch xảy ra rồi thì mới đi tiêm ngừa, đây là một điều hoàn toàn không tốt chút nào. Vì khi dịch đã xảy ra chúng ta mới tiêm ngừa thì đôi khi vẫn mắc bệnh do thuốc chưa kịp có tác dụng. Chủ động tiêm ngừa trước mùa dịch sẽ vừa giúp cho các trẻ em được trang bị đầy đủ vũ khí chống lại các loại bệnh tật, vừa giúp cho các bậc phụ huynh an tâm hơn khi con mình đi học, tham gia các hoạt động tập thể, lại vừa giúp cho ngành y tế chủ động phòng chống làm hạn chế dịch bệnh xảy ra.
BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn
Viện Pasteur TPHCM