TPHCM:
Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao
(Dân trí) - Tính từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đã tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, thời gian tới bệnh còn diễn tiến nguy hiểm, ngành Y tế kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịch.
Tổng kết 6 tháng đầu năm hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn thành phố chỉ ra, đến trung tuần tháng 6, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đã vượt ngưỡng của cùng kỳ năm 2013.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã có 3 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết với 3.157 ca phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh đã tăng 570 trường hợp (22%) so với cùng kỳ năm trước (2.587 ca). Điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết đang tập trung tại các quận huyện như: Bình Tân, Thủ Đức, quận 7.
Dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng bệnh tay chân miệng nhập viện tính từ đầu năm đã lên đến 4.417 ca, tăng 971 ca (gần 29%) so với cùng kỳ năm 2013 (3.446 ca). Bệnh tay chân miệng đang duy trì ở mức cao với gần 250 ca nhập viện mỗi tuần, thành phố có 279/322 phường xã có ca bệnh tay chân miệng.
Dự báo, khi thời tiết đi sâu vào mùa mưa trong hai tháng tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Bên cạnh đó, sau kỳ nghỉ hè, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thành phố sẽ tiếp nhận học sinh cho năm học mới, đây cũng là thời cơ cho bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp hơn.
Để hạn chế nguy cơ lây lan của tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm nói chung, ngành Y tế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh khử khuẩn, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng nát, thương xuyên rửa tay băng nước sạch và xà bông, thực hiện ăn chín uống chín.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín các lu, bể chứa nước, thả cá bảy màu; thường xuyên thay nước ở các bình bông, lọ hoa, đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến để không cho muỗi đẻ trứng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị thuộc cấp, tăng cường hoạt động truyền thông lồng ghép nhiều bệnh dịch: sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết; phát động chiến dịch “vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn thành phố”; kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm trong trường mầm non và nhóm trẻ gia đình; khẩn trương xử lý các ổ dịch nhỏ, ca bệnh lẻ tẻ theo hướng dẫn Bộ Y tế đã ban hành.
Vân Sơn