1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh sốt mò “rình” người đi phượt

Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra. Ổ chứa loại vi khuẩn này là nhiều loài động vật gặm nhấm, hoang dã. Ấu trùng mò đỏ là trung gian truyền bệnh sang người.

Vi khuẩn Rickettsia
Vi khuẩn Rickettsia

Vi khuẩn Rickettsia thường phân bố tự nhiên ở nhiều vùng núi, trung du và một số khu vực đồng bằng nước ta. Đây là những địa điểm ưa thích của nhiều đoàn đi phượt. Trong mùa mưa, khi nước lên có sự di cư của mò đỏ và ấu trùng từ những vùng đất ngập nước lên vùng đất cao hơn làm tăng mật độ của chúng ở những khu vực này.

Chính vì thế, vào tháng 6, tháng 7 hằng năm, mật độ mò tăng cao trùng với thời kỳ nghỉ hè, du lịch của nhiều bạn trẻ và mùa làm nương của nông dân nên số người bị bệnh sốt mò gia tăng. Mò đỏ và ấu trùng có tập tính ưa sống ở những nơi đất xốp, râm mát, có bụi rậm và cây thấp.

Chúng thường bám vào thân cây, ngọn cỏ hoặc ngay trên mặt đất. Nơi cư trú của ấu trùng mò đỏ cũng là những nơi “dân phượt” hay đến dựng trại nên họ thường là những đối tượng tiềm năng nhiễm bệnh.

Sau khi bị đốt từ 8-12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm như đáy giếng. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, thậm chí trong vành tai, rốn, mi mắt, cạp quần. Do vết đốt không đau, không ngứa nên người bệnh thường không chú ý, phải khám xét mới phát hiện.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng những kháng sinh đặc hiệu, người bị bệnh sốt mò sẽ hồi phục khá nhanh; ngược lại, họ có thể bị sốt kéo dài đến vài tuần, một số trường hợp diễn biến nặng thành suy đa phủ tạng như suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm cơ tim và có thể tử vong.

Hiện nay, bệnh sốt mò vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu. Để phòng tránh bệnh sốt mò, những người đi phượt nên chú ý bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh nguy hiểm này bằng một số lưu ý như sau:

- Hạn chế xâm nhập vào vùng nghi ngờ có nhiều ấu trùng mò đỏ như các bụi rậm, bãi cỏ thấp, vùng đất ẩm như các khu vực triền sông, vách núi, hang động, những vùng có bệnh sốt mò lưu hành.

- Khi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò đỏ, nên mặc quần áo kín, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng... Sử dụng quần áo tẩm chất xua đuổi côn trùng, bôi các chất xua côn trùng như benzyl benzoat, DEEP, ethyl hexanediol...lên những vùng da hở.

- Không nên đặt ba lô, phơi quần áo, để đồ đạc trực tiếp lên cỏ. Tránh nằm lên bãi cỏ, tạo dáng chụp ảnh hoặc đi vệ sinh trong những bụi cây, lùm cỏ lúp xúp.

- Sau khi đi vào những vùng có lưu hành bệnh sốt mò, nếu xuất hiện sốt hoặc phát hiện nốt đốt đặc trưng, nên đến bệnh viện khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm